Tin đồn khiến thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ

Kết thúc phiên giao dịch 25/10, VN-Index ở mức 997 điểm; sau khoảng thời gian trượt dài, hàng loạt cổ phiếu có giá thấp hơn cả thời điểm COVID-19.

Thống kê tới ngày 21/10, nhiều cổ phiếu như HNG, VCG, TAR, TCH, VIC, VTP, HVN, PLX... giá thấp hơn từ 10-60% thời điểm tháng 3. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở, Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, nhận định, nhiều cổ phiếu đang được định giá khá rẻ vào thời điểm hiện tại.

Chỉ số P/E (giá/thu nhập cổ phiếu) chỉ ở mức 10 - 11, thấp trong Đông Nam Á, thấp hơn trung bình của VN-Index (trung bình từ 2015 tới nay là 13-18). Ông Tuấn lý giải, có một số nguyên nhân, như ảnh hưởng gián tiếp từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất; biến động tỷ giá; siết room tín dụng bất động sản, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất, thị trường trái phiếu bất ổn... Tâm lý hoảng loạn còn được "kích hoạt" từ các tin đồn.

Thị trường Việt Nam liên tục lọt nhóm "tử thần", chỉ số đại diện giảm mạnh nhất thế giới (ảnh minh họa)

Thị trường Việt Nam liên tục lọt nhóm "tử thần", chỉ số đại diện giảm mạnh nhất thế giới (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, nhận định, vừa qua, yếu tố tiêu cực nhất gây ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chính là tin đồn. Trong bối cảnh đà giảm của thị trường đã sâu, giá cổ phiếu rớt mạnh, nhà đầu tư lỗ nhiều, họ càng lo ngại trước tin đồn.

“Nhà đầu tư lo những đồn đoán thành sự thật, thị trường sẽ tiêu cực hơn, nên phản ứng “chạy trước” tin đồn. Tin đồn tạo hiệu ứng domino trên thị trường. Thời gian này, dòng tiền trên thị trường rất yếu, nên tin đồn một lần nữa phát huy tác dụng”, ông Minh nhấn mạnh.

Thị trường giảm sâu kéo theo số lượng doanh nghiệp tỷ đô (USD) trên sàn chứng khoán cũng vơi đi đáng kể. Từ 64 doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa vào đầu tháng 4, toàn sàn hiện chỉ còn 44 cái tên trong đó HNX đã không còn đại diện nào.