Tin thế giới 26/8: Động thái khó hiểu của Nga với Taliban; lo ngại tổ chức khủng bố IS trỗi dậy; Bộ tứ tập trận Malabar

Nga có những động thái mới với Taliban và Aghanistan; Mỹ-Nga hợp tác về an ninh mạng, Mỹ-Israel tìm tiếng nói chung... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Nga vẫn chưa thực sự công nhận Taliban. (Nguồn: Reuters).

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga cần tính kỹ hơn trước khi công nhận Taliban

Ngày 26/8, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov tuyên bố, Moscow vẫn chưa xác định lập trường đối với Taliban và sẽ xem họ hành động như thế nào đối với người dân Afghanistan và các nhà ngoại giao Nga.

Theo ông Peskov, chính phủ Nga quan tâm tới hòa bình và ổn định tại Afghanistan và có thể sẽ tiếp tục liên lạc với Mỹ đối với các vấn đề phát sinh tại đó.

Từ trước tới nay, Nga vẫn coi Taliban là một tổ chức khủng bố. (TASS)

Nga cung cấp vũ khí cho các nước láng giềng của Afghanistan

Ngày 26/8, Nga thông báo đã nhận được đơn đặt hàng vũ khí và máy bay trực thăng mới từ các nước cộng hòa Trung Á giáp Afghanistan, sau khi Taliban tiếp quản nước này.

Cụ thể, Tổng Giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, ông Alexander Mikheev nêu rõ: "Chúng tôi đang thảo luận về một số đơn đặt hàng từ các nước trong khu vực về việc cung cấp các trực thăng, hỏa khí và hệ thống bảo vệ biên giới hiện đại của Nga".

Thông tin trên được đưa ra khi có một số các quốc gia Liên Xô cũ, nơi Moscow đóng các căn cứ quân sự, bày tỏ lo ngại về việc Taliban tiếm quyền ở Afghanistan. (AFP)

Nga cảnh báo tàu Anh khó xâm phạm lãnh hải trong tương lai

Đại sứ Nga tại London Andrei Kelin nhấn mạnh tàu khu trục HMS Defender của Hải quân Anh đã đi vào vùng biển của Nga hồi cuối tháng 6 vừa qua mà không thông báo trước và đã không tuân thủ luật pháp Nga.

Ông nói: "Việc tàu Anh đi vào lãnh hải Nga không phải là vô tình như chính phủ Anh tuyên bố… bởi đây là một hành vi phản đối, một sự phản đối đặc biệt rằng đó là vùng biển của Ukraine và đây hoàn toàn không phải sự thật".

Đại sứ Nga cũng cảnh báo trong tương lai, tàu quân sự Anh sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều khi đi vào lãnh hải Nga mà không thông báo trước. (Sputnik)

Anh lo ngại tổ chức khủng bố IS sẽ tấn công Kabul

Truyền thông Anh cảnh báo rằng, IS-K hay ISIS-K, một chi nhánh địa phương của tổ chức khủng bố khét tiếng toàn cầu Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tập hợp hàng nghìn chiến binh để lật đổ các tay súng Taliban "tự do" - và chúng sẽ nhắm vào người phương Tây để thực hiện mục tiêu này.

Được thành lập năm 2015, mục đích của ISIS-K là thiết lập một tổ chức Hồi giáo trên khắp Khorasan - một khu vực bao gồm Pakistan và Afghanistan và một số khu vực của Trung Á.

Hiện có những lo ngại từ các cường quốc phương Tây rằng ISIS-K sẽ phát động một làn sóng tấn công khủng bố nhằm gây mất ổn định trong nỗ lực thành lập chính phủ của Taliban, trước tiên là nhằm vào những người di tản tiềm năng vì họ có khả năng giữ lại các vị trí cao cấp sau này.

Trong bối cảnh đó, tối 25/6, Bộ Ngoại giao Anh cảnh báo công dân của nước mình không đến sân bay Kabul trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố leo thang nhanh chóng và tình hình an ninh bất ổn.

Australia và Mỹ cũng đã phát đi cảnh báo, yêu cầu tất cả mọi người đang bên ngoài sân bay phải rời khỏi sân bay ngay lập tức. (Reuters)

Rò rỉ tài liệu tố Taliban đánh đập nhân viên Liên hợp quốc

Một tài liệu an ninh nội bộ của LHQ cho thấy, có hàng chục báo cáo về liên quan đến việc các tay súng Taliban tấn công các nhân viên của tổ chức này.

Một nhân viên LHQ người Afghanistan giấu tên nói với Reuters rằng ông biết ít nhất 50 nhân viên Afghanistan bị Taliban cảnh báo hoặc đe dọa. Ông nói thêm: "Các nhân viên của LHQ đang bị Taliban trực tiếp đe dọa một cách nghiêm trọng phải được sơ tán”.

Taliban đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về danh sách vụ việc của LHQ. Đồng thời, lực lượng này khẳng định sẽ điều tra các vụ việc được báo cáo, và cũng khuyến khích các tổ chức viện trợ tiếp tục công việc của họ. (Reuters)

Mỹ-Nga thiết lập cơ chế liên lạc về vấn đề Afghanistan

Ngày 26/8, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga và Mỹ đã thiết lập một cơ chế liên lạc về vấn đề Afghanistan và hai bên nhiều khả năng sẽ tiếp tục kết nối.

Phát biểu trước báo giới, ông Peskov nói: “Liên lạc giữa Nga và Mỹ sẽ được thực hiện khi cần thiết nhưng một cơ chế liên lạc đã được thiết lập. Tất nhiên, tình hình (Afghanistan) đòi hỏi có sự trao đổi quan điểm, trao đổi thông tin. Vì vậy, khả năng cao những liên lạc này sẽ tiếp tục bằng cách này hay cách khác”.

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho biết Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga, Đại tướng Nikolai Patrushev, đã có cuộc điện đàm với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan để thảo luận về tình hình Afghanistan trong tuần này. (Sputnik)

Mỹ tin Nga sẽ hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống tin tặc

Phát biểu tại một cuộc họp an ninh mạng ngày 25/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định chính quyền Moscow biết ai đứng sau các vụ tấn công mạng gây chấn động, trong đó những kẻ tấn công sử dụng virus cài mã độc để tống tiền.

Ông Biden nói: "Tôi đã có cuộc gặp thượng đỉnh với ông Vladimir Putin, tại đó tôi nói rõ rằng chúng ta hy vọng họ sẽ truy cứu trách nhiệm những kẻ đó vì họ (chính quyền Nga) biết chúng đang ở đâu và chúng là ai".

Nga đã bác bỏ cáo buộc liên quan đến các vụ tấn công mạng của những kẻ tống tiền vào các công ty lớn của Mỹ, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống tin tặc. (Sputnik)

Mỹ-Israel tìm tiếng nói chung về Iran

Ngày 26/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Naftali Bennett tại Nhà Trắng để tìm cách thiết lập lại quan hệ giữa 2 bên và tìm ra tiếng nói chung về Iran.

Theo đó, hai nhà lãnh đạo sẽ cố gắng lật "sang trang mới” mối quan hệ sau nhiều năm căng thẳng giữa người tiền nhiệm của ông Bennett - ông Benjamin Netanyahu và chính quyền do ông Barack Obama lãnh đạo.

Xếp hàng đầu trong chương trình nghị sự là Iran, một trong những vấn đề hóc búa nhất giữa chính quyền ông Biden và Israel.

Một quan chức cấp cao cho biết, Tổng thống Biden sẽ chia sẻ với người đồng cấp Israel về mối quan ngại của Israel về việc Iran đã mở rộng chương trình hạt nhân, nhưng hiện Mỹ vẫn cam kết ngoại giao với Tehran. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran đã bị đình trệ khi Washington chờ đợi động thái tiếp theo từ Tổng thống cứng rắn mới của Iran.

Ông Bennett, tuy ít công khai chống lại nhưng cũng cương quyết như ông Netanyahu khi cam kết sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn Iran - quốc gia mà Israel coi là mối đe dọa hiện hữu - chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Iran luôn phủ nhận việc đang chế tạo bom hạt nhân.

Theo kế hoạch, ông Bennett muốn chuyển từ phong cách công khai chiến đấu của ông Netanyahu sang quản lý các bất đồng giữa Washington và đồng minh Trung Đông thân cận nhất theo tinh thần xây dựng. (Reuters)

Tòa án Đức ra phán quyết về Dòng chảy phương Bắc 2, Nga phản ứng mạnh mẽ

Ngày 25/8, một tòa án khu vực Dusseldorf của Đức đã ra phán quyết bác bỏ những kiến nghị của Nord Stream 2 AG để miễn trừ khỏi các quy tắc thị trường khí đốt của EU, trong đó có Gói Năng lượng thứ ba.

Theo đó, Nord Stream-2 sẽ không được loại trừ áp dụng Gói năng lượng thứ ba của châu Âu, có thể phải chia sẻ một nửa công suất đường ống cho bên thứ ba.

Phản ứng về phán quyết này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể lặp lại những tuyên bố đã đưa ra trước đó và lên tiếng ở các cấp độ khác nhau rằng Nord Stream 2 là các dự án quốc tế, thương mại độc quyền, được thiết kế để đóng góp đáng kể vào an ninh năng lượng của toàn châu Âu”.

Theo ông Peskov, công ty Nord Stream AG - nhà điều hành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, nên tự xác định các bước tiếp theo.

Nord Stream AG, tập đoàn đứng sau dự án, nói rằng việc mở rộng chỉ thị của EU đối với đường ống từ nước thứ ba (Nga) là phân biệt đối xử, cũng như nhấn mạnh việc sửa đổi Chỉ thị từ năm 2019 được thiết kế đặc biệt để trì hoãn hoặc dừng Nord Stream-2. (TASS)

Nhóm Bộ tứ 'tụ hội' ở đảo Guam khai mạc tập trận Malabar 2021

Ngày 26/8, Hải quân 4 quốc gia thành viên nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đã khai mạc cuộc tập trận thường niên Malabar lần thứ 25 ngoài khơi đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương.

Theo thông tin từ trang web của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, cuộc tập trận Malabar 2021 do hải quân Mỹ tổ chức và có hai giai đoạn. Giai đoạn 1 diễn ra trong 4 ngày, kéo dài đến ngày 29/8.

Người phát ngôn Hải quân Ấn Độ, Trung tá Vivek Madhwal trước đó cho biết, Malabar-2021 sẽ chứng kiến các cuộc diễn tập cường độ cao giữa các tàu khu trục, khinh hạm, tàu hộ tống, tàu ngầm, trực thăng và máy bay tuần tra biển tầm xa của các lực lượng hải quân tham gia.

Trong quá trình tập trận, các bên sẽ tiến hành các hoạt động phức tạp trên mặt nước, dưới mặt nước và trên không, bao gồm các cuộc diễn tập bắn đạn thật, tác chiến chống hạm, chống ngầm, phòng không, cùng các hoạt động thao dượt chung và các bài tập chiến thuật.

Cuộc tập trận Malabar, bắt đầu vào năm 1992, được xem là hoạt động song phương giữa Ấn Độ và Mỹ. Nhật Bản trở thành thành viên thường trực từ năm 2015.

Theo lời mời của Ấn Độ, Australia đã tham gia phiên bản Malabar 2020, đưa cuộc tập trận này trở thành cuộc tập trận của cả 4 quốc gia thành viên.