Tình hình dịch Covid-19 hôm nay ngày 8/1 mới nhất

08/01/2022 06:52

Tin tức dịch Covid-19 ngày 8/1 tại Việt Nam: Phạt một bệnh viện 34 triệu liên quan vụ từ chối sản phụ F0. Đưa vụ án Việt Á vào diện theo dõi...

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (11), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 16.021 ca/ngày.

Từ đầu dịch Covid-19 đến nay Việt Nam đã có hơn 1,8 triệu ca nhiễm.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.859.841 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.851 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.853.904 ca, trong đó có 1.476.231 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (506.902), Bình Dương (291.270), Đồng Nai (98.545), Tây Ninh (81.135), Hà Nội (62.174).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 14.633 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.479.048 trường hợp. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.006 ca.

Số bệnh nhân tử vong:

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 212 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.877 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 30.839.883 mẫu tương đương 75.500.440 lượt người, tăng 104.454 mẫu so với ngày trước đó.

Quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Trì "thoát" màu cam, về cấp độ dịch 2

Ngày 7/1, UBND TP Hà Nội có thông báo số 24 đánh giá cấp độ trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, dịch bệnh ở quy mô cấp thành phố của Hà Nội vẫn ở cấp độ 2.

Một số quận ở Hà Nội đã yêu cầu nhà hàng dừng phục vụ khách tại chỗ

Tuy nhiên, tính theo quy mô cấp quận, huyện, thị xã thì thành phố đang có 8 địa phương có dịch ở cấp độ 3; 20 địa phương ở cấp độ 2 (tức vùng vàng) và 2 địa phương có dịch ở cấp độ 1 (tức vùng xanh).

Riêng 8 địa phương "vùng cam" gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm.

So với lần công bố ngày 31/12/2021, quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Trì đã chuyển từ màu cam sang màu vàng. Còn quận Cầu Giấy chuyển từ vàng sang cam.

20 quận, huyện, thị xã vùng vàng bao gồm: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Trì, Tây Hồ, Đông Anh, Hà Đông, Thường Tín, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Quốc Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thạch Thất, Mỹ Đức, Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ.

Thành phố có 2 huyện vùng xanh gồm Phúc Thọ, Phú Xuyên.

Theo bảng đánh giá cấp độ dịch của toàn bộ 579 xã, phường, thị trấn của TP Hà Nội, không có xã/phường/thị trấn cấp độ 4; Số xã/phường/thị trấn cấp độ 3: 133; cấp độ 2: 332 và cấp độ 1: 114.

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 6/1 đến 18h ngày 7/1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.725 ca mắc Covid-19, trong đó có 655 ca tại cộng đồng, 2.070 ca đã được cách ly. Đây là ngày thứ hai liên tiếp, Hà Nội ghi nhận số ca mắc vượt mốc hơn 2.700 ca/ngày.

Đáng lo ngại, trong thời gian 2 tuần trên địa bàn đã ghi nhận 19.427 trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29-4 đến nay) là 65.356 ca.

Độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 tại Hà Nội, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19: 98,8% (Đã đạt tỉ lệ tối thiểu là 70%). Tỉ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19: 96,2% (Đã đạt tỉ lệ tối thiểu là 80%).

Hải Phòng: Phạt một bệnh viện 34 triệu đồng liên quan vụ từ chối sản phụ F0

Ngày 7/1, Sở Y tế Hải Phòng thông tin, Thanh tra Sở vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Green số tiền 34 triệu đồng sau thông tin phản ánh bệnh viện từ chối sản phụ dương tính SARS-CoV-2.

Bệnh viện Quốc tế Green (Hải Phòng) - nơi xảy ra vụ việc

Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng xác định hành vi vi phạm của bệnh viện gồm: Không thông báo cho cơ quan nhà nước thẩm quyền về y tế khi phát hiện người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Trường hợp này, Bệnh viện Quốc tế Green chưa báo cáo chính quyền địa phương; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp và Sở Y tế Hải Phòng việc bệnh nhân test nhanh dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại bệnh viện. Với hành vi này, Sở Y tế xử phạt bệnh viện 14 triệu đồng.

Ngoài ra, Bệnh viện Quốc tế Green bị xử phạt 20 triệu đồng vì không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, để bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Thai phụ test nhanh dương tính SARS-CoV-2 là H.T.H. Lúc 9h05 ngày 5/1, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện.

Tại bộ phận đón tiếp, bệnh nhân đã khai báo y tế, sau đó được chỉ định làm xét nghiệm test nhanh Covid-19 tại khu sàng lọc riêng. Kết quả test nhanh, thai phụ dương tính với SARS-CoV-2.

Theo báo cáo của bệnh viện, thai phụ chưa có dấu hiệu chuyển dạ, chưa có vấn đề cần phải xử lý cấp cứu y tế. Bệnh nhân nguy cơ cao nên bộ phận đón tiếp tư vấn một số cơ sở y tế có năng lực tiếp nhận bệnh nhân F0 đang mang thai như Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng để thai phụ lựa chọn.

Báo cáo của Bệnh viện Quốc tế Green nêu thêm, nhân viên bệnh viện nói với bệnh nhân rằng sẽ thông báo cho 115 để xin xe đưa bệnh nhân đi nhưng bệnh nhân quyết định đến Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng ngay bằng phương tiện cá nhân.

Khoảng 11h30 - 12h, bệnh nhân gọi điện tới bệnh viện để hỏi lại phiếu kết quả xét nghiệm. Bệnh viện cử người đem kết quả đến Bệnh viện Phụ Sản trả cho chị H.T.H. Trước đó, do vội vã nên lúc đi khỏi bệnh viện, bệnh nhân để quên.

Trước đó, ngày 5/1, mạng xã hội Facebook chia sẻ thông tin một người phụ nữ 29 tuổi đang mang thai hơn 37 tuần, trú tại quận Lê Chân (Hải Phòng) khi đến khám tại Bệnh viện Quốc tế Green có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.

Theo phản ánh, bệnh nhân được nhân viên bệnh viện đề nghị sang Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng để điều trị. Gia đình bệnh nhân cũng phản ánh việc thai phụ này phải tự di chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng mà không có sự hỗ trợ từ Bệnh viện Quốc tế Green…

Quận Cầu Giấy dừng bán hàng ăn uống tại chỗ

Chiều 7/1, trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, sau khi xác định nhiều phường trên địa bàn có dịch ở cấp độ 3, quận Cầu Giấy (Hà Nội) sẽ điều chỉnh các biện pháp hành chính tương xứng, trong đó yêu cầu hàng quán dừng phục vụ tại chỗ.

Quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) sẽ dừng bán hàng tại chỗ

Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, việc điều chỉnh các biện pháp hành chính tương xứng với tình trạng dịch ở cấp độ 3 (tức vùng cam) đã được quận báo cáo UBND TP Hà Nội tại phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, diễn ra vào sáng 7/1.

"Bên cạnh việc yêu cầu các hàng quán, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn chỉ được phép bán hàng mang về, quận cũng sẽ điều chỉnh thêm một số hoạt động khác. Hiện quận đang xây dựng kế hoạch để ban hành. Các biện pháp điều chỉnh sẽ có hiệu lực sau 48 giờ đồng hồ kể từ thời điểm văn bản được ban hành", vị lãnh đạo này thông tin thêm.

Như vậy, hiện nay, Hà Nội có 11 quận, huyện ở cấp độ 3 (màu cam), gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Gia Lâm, Thanh Trì, Thanh Xuân và Cầu Giấy.

Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021, nếu ở cấp độ 3, các hoạt động dịch vụ, biện pháp được áp dụng như sau:

Hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm.

Các cơ sở lưu trú hoạt động được phép hoạt động không quá 50% công suất.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh... phải hạn chế tiếp khách làm việc trực tiếp tại đơn vị, tăng cường hoạt động làm việc trực tuyến. Quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người đến giao dịch, khách hàng... thực hiện khai báo y tế điện tử thông qua mã QR, sử dụng phần mềm PC-COVID (khai báo y tế, check in).

Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý đến các khu vực có nguy cơ cao: khu chung cư, cơ sở khám chữa bệnh, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở giao nhận hàng hóa, nơi tập trung đông người...

Việt Á chi 800 tỷ đồng "hoa hồng" cho các đối tác

Ngày 7/1, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 29/12/2021 đã quyết định đưa vụ án liên quan đến Công ty Việt Á vào diện Ban chỉ đạo theo dõi.

Bị can Phan Quốc Việt

Ban Chỉ đạo yêu cầu: Đảng ủy Công an Trung ương; Quân ủy Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; tỉnh ủy, thành ủy có liên quan phối hợp chặt chẽ, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, tập trung đấu tranh, làm rõ việc giao nhiệm vụ; nghiên cứu; nghiệm thu; chuyển giao; cấp phép lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá; thông tin, quảng cáo; tổ chức sản xuất; đánh giá chất lượng sản phẩm, việc mua bán sản phẩm... và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến vụ án.

Thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo, Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan, tập trung lực lượng, khẩn trương tổ chức các hoạt động điều tra, xác minh, làm rõ toàn bộ bản chất của vụ án với tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự can thiệp trái pháp luật của bất cứ cá nhân, tổ chức nào.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can về các tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "đưa hối lộ, nhận hối lộ"; "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên 28 bất động sản, phong tỏa tài khoản hơn 320 tỉ đồng, 100.000 USD và tạm giữ số tiền hơn 4,8 tỉ đồng do một số đối tượng có liên quan tự nguyện giao nộp.

Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt, Việt đã "bắt tay" với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỉ đồng; số tiền "hoa hồng" mà Việt Á chi cho các "đối tác" là gần 800 tỉ đồng.

Hiện nay, Bộ Công an rất tích cực mở rộng điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện các yêu cầu của Ban Chỉ đạo đối với vụ án.

Khảo sát việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 tuổi

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine cho nhóm này để đến trường học trực tiếp…

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 8/1.

Tại văn bản số 125/VPCP-KGVX ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thăm dò, khảo sát việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các kinh nghiệm rút ra từ các địa phương trong nước, chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em để đến trường học trực tiếp.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vaccine, về nhu cầu vaccine cần nhập khẩu để bảo đảm mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo; thống nhất cách gọi các mũi tiêm để dễ theo dõi.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản đề nghị Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc mua vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo Bộ Y tế, từ tháng 3/2021 đến hết ngày 4/1/2022, Việt Nam đã tiếp nhận 206,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Số vaccine đã được phân bổ cho các địa phương, đơn vị đạt 176,8 triệu liều. Số còn lại khoảng 29,7 triệu liều được Bộ Y tế tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng để xuất xưởng.

Đến hết ngày 5/1, số vaccine tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đạt hơn 142,012 triệu liều, trong đó có hơn 70,176 triệu liều mũi 1, hơn 64,427 triệu liều mũi 2, hơn 1,251 triệu liều mũi 3 (đối với vaccine Abdala), hơn 2,003 triệu liều bổ sung và hơn 4,152 triệu liều nhắc lại.

Về độ bao phủ, với người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine đạt 99,7%, tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản đạt 91,6%.

Về tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố đã tiêm được hơn 13,186 triệu liều, trong đó có hơn 7,811 triệu liều mũi 1 và hơn 5,375 triệu liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine ở độ tuổi này đạt 87% và tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 59,9%.

Hiện Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa tiến độ tiêm chủng để trong tháng 1/2022, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi và trong quý 1/2022, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Bạn đang đọc bài viết "Tình hình dịch Covid-19 hôm nay ngày 8/1 mới nhất" tại chuyên mục TIN TỨC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#