Toàn cảnh vụ nâng giá kit xét nghiệm Công ty Việt Á

Liên quan vụ nâng giá kit xét nghiệm Công ty Việt Á, đến nay, hàng chục quan chức, cán bộ đã bị kỷ luật, cách chức, khởi tố. Vụ án vẫn đang tiếp tục được mở rộng điều tra, với quyết tâm loại bỏ biến thể Việt Á trong tương lai

Liên quan vụ nâng giá kit xét nghiệm tại Công ty Việt Á, đến nay, đã có hàng chục quan chức, lãnh đạo bị kỷ luật, cách chức, khởi tố.

Liên quan vụ án "thổi giá" kit xét nghiệm của Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), ngày 10-12-2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An), triệu tập trên 30 đối tượng liên quan.

Kết quả điều tra và đấu tranh với các đối tượng, cơ quan chức năng xác định Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Tháng 4-2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến cuối năm 2021, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.

Ngày 17-12-2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.

Đồng thời, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng, gồm: Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo - thủ quỹ Công ty Việt Á, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Âu Lạc; Phan Tôn Noel Thảo, trợ lý tài chính Công ty Việt Á; Trần Thị Hồng, nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.

Các đối tượng bị khởi tố (từ trên xuống, từ trái sang): Phan Quốc Việt, Vũ Đình Hiệp, Hồ Thị Thanh Thảo, Phan Tôn Noel Thảo và Trần Thị Hồng. Ảnh: Bộ Công an

Tiếp đó, mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định một số lãnh đạo, cán bộ CDC Nghệ An và CDC Bình Dương đã thông đồng, câu kết với Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan thuộc Công ty Việt Á, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ ứng dụng Việt Nam (VNDAT) vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua vật tư phòng chống dịch Covid-19, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đối tượng Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương. Ảnh: Bộ Công an

Mở rộng điều tra, ngày 31-12-2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về các tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đối với Phan Quốc Việt, Vũ Đình Hiệp và Phạm Duy Tuyến.

Cùng với đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 12 đối tượng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đối với các ông: Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính - Bộ Y tế; Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đồng thời, khởi tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đối với các ông, bà: Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An; Nguyễn Thị Hồng Thắm, Kế Toán trưởng CDC Nghệ An; Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương; Trần Thanh Phong, Phó phòng Tài chính - Kế toán CDC Bình Dương; Lê Thị Hồng Xuyên, nguyên phụ trách Phòng Thí nghiệm CDC Bình Dương; Tiêu Quốc Cường - Kế toán trưởng, Phó phòng Tài chính Sở Y tế Bình Dương; Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty VNDAT; Nguyễn Thị Thúy, nhân viên kinh doanh Công ty VNDAT; Lê Trung Nguyên, Giám đốc vùng Công ty Việt Á.

Đối tượng Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương. Ảnh: Bộ Công an

Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 21-1-2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với: Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang; Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Phan Anh; Phan Thị Khánh Vân, kinh doanh tự do (chị ruột Phan Huy Văn) về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại CDC Bắc Giang.

Cũng liên quan vụ Việt Á, đầu tháng 3-2022, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự - Học viện Quân y, về tội "Tham ô tài sản" và tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng Phòng Trang bị, vật tư - Học viện Quân y, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng".

Bên cạnh đó, công an các địa phương cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số cán bộ CDC do vi phạm quy định về đấu thầu, tham ô tài sản. Cụ thể, ngày 19-2-2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối vớiHoàng Văn Đức, Giám đốc CDC và Hà Thúc Nhật, Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Thừa Thiên - Huế.

Ông Hoàng Văn Đức (giữa), Giám đốc CDC tỉnh Thừa Thiên Huế, hôm bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Ngày 25-4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định thi hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 cán bộ thuộc CDC Nam Định, gồm: Đỗ Đức Lưu, Giám đốc; Vũ Ngọc Tuyên, Kế toán trưởng; Phạm Thị Nga, Trưởng khoa Dược - Vật tư y tế; Vũ Khánh Vân, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ; Vũ Thị Ngọc Thanh, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm.

Bị can Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc CDC Hà Giang. Ảnh: Bộ Công an

Còn Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hậu Giang ngày 11-5 khởi tố vụ án, khởi tố bị ca, bắt tạm giam Nguyễn Văn Lành, nguyên Giám đốc CDC Hậu Giang; Hà Tấn Bình Đẳng và Huỳnh Thị Hồng Đoan, nguyên trưởng khoa thuộc CDC Hậu Giang.

Ngày 11-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang thi hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối vớiNguyễn Trần Tuấn, Giám đốc CDC tỉnh; Phan Thị Nga, Trưởng Khoa Xét nghiệm và Tô Minh Huệ, Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán thuộc CDC Hà Giang.

Liên quan vụ Việt Á, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp nhiều kỳ xem xét thi hành kỷ luật và đề nghị kỷ luật một số cán bộ. Từngày 28 đến 31-3, tại kỳ họp thứ 13, UBKT Trung ương đã xem xét việc thực hiện kết luận tại kỳ họp thứ 12 về vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 phục vụ công tác phòng chống dịch và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á.

Qua đó, UBKT Trung ương quyết định cảnh cáo trung tướng Nguyễn Viết Lượng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; đại tá Nguyễn Tùng Linh - Đảng ủy viên Học viện, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Khoa học Quân sự; thiếu tá Ngô Anh Tuấn - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Tài chính; thiếu tá Lê Trường Minh - Chi ủy viên, Trưởng Ban Hóa dược thuộc Phòng Trang bị - Vật tư của Học viện Quân y.

Khiển trách đại tá Phạm Nhật Quang - Bí thư Chi bộ Tổng hợp Kế hoạch - Thanh tra, Chánh Thanh tra Học viện; đại tá Chu Đức Thành - Phó Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Học viện; trung úy Nguyễn Văn Tâm và trung úy Nguyễn Thành Trung, Chi bộ Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân y.

Khai trừ ra khỏi Đảng đối với thượng tá Hồ Anh Sơn - Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học quân sự; đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Trang bị - Vật tư, Học viện Quân y.

Thượng tá Hồ Anh Sơn và Phan Quốc Việt tại buổi họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit phát hiện SARS-CoV-2. Ảnh: Ng.Ph.T

Tiếp đó, tại kỳ họp thứ 15 diễn ra từ ngày 16 và 17-5,UBKT Trung ương đã xem xét, xử lý kỷ luật các tập thể và cá nhân liên quan những vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học - Công nghệ, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế liên quan vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á.

Theo đó, tại Bộ Khoa học - Công nghệ, UBKT Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Thanh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật. UBKT Trung ương kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo các ông: Phạm Công Tạc - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng; Nguyễn Thiện Thành - nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước; Lê Bách Quang - Chủ tịch các Hội đồng tư vấn, Hội đồng nghiệm thu Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm phát hiện Covid-19.

Bên cạnh đó, khiển trách ông Nguyễn Đình Hậu - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật.

UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học - Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ.

Tại Bộ Y tế, UBKT Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị - Công trình Y tế; Nguyễn Nam Liên - nguyên Phó Bí thư, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Bộ Y tế, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính.

UBKT Trung ương kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Trường Sơn - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế; Đặng Đức Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Khiển trách các ông: Đỗ Xuân Tuyên - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan trung ương, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng; Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy bộ, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra Bộ Y tế.

UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ngày 7-1-2022, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn Bộ Công an, đã thông tin về kết quả điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.

Người phát ngôn Bộ Công an cho biết tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 29-12-2021, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa vụ án Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo.

Thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ủy Công an Trung ương đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan, tập trung lực lượng, khẩn trương tổ chức các hoạt động điều tra, xác minh, làm rõ toàn bộ bản chất của vụ án với tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự can thiệp trái pháp luật của bất cứ cá nhân, tổ chức nào.

Hiện nay, Bộ Công an vẫn tích cực mở rộng điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vụ án, nhằm ngăn chặn và loại bỏ "biến thể Việt Á" trong tương lai.

Bên cạnh đó, vừa qua, qua quá trình thanh tra, Thanh tra các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An, Bạc Liêu,… đã chỉ ra những sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19 ở Sở Y tế, một số cơ sở y tế và CDC các địa phương này, trong đó có liên quan Công ty Việt Á. Thậm chí, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu còn đề nghị chuyển hồ sơ các sai phạm sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để tiếp tục điều tra làm rõ.