Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy tích tiền để trả nợ

Năm 2023, lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) - hậu duệ của Tập đoàn Vinashin đặt mục tiêu tiếp tục tích luỹ để trả nợ. Năm vừa qua, SBIC đạt tổng doanh thu hơn 2.800 tỷ đồng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023 của SBIC vừa diễn ra, Phó Tổng giám đốc SBIC Nguyễn Tiến Đạt cho biết, vận tải biển phát triển mạnh thời gian qua đã tác động tích cực tới ngành đóng tàu. Nhiều khách hàng trong và ngoài nước đã tìm đến SBIC đặt đóng mới các loại tàu có tải trọng lớn. Nhờ đó, các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2022 của SBIC đều vượt kế hoạch.

Trong năm 2022, các đơn vị thành viên thuộc SBIC đã bàn giao 76 sản phẩm cho khách hàng (vượt 9 sản phẩm so với kế hoạch), tổng giá trị đạt 3.489 tỷ đồng (tăng hơn 34% so với năm trước).

Tổng doanh thu SBIC năm vừa qua đạt hơn 2.800 tỷ đồng, tăng hơn 14% kế hoạch năm và tăng hơn 23% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ đóng tàu đạt hơn 1.581 tỷ đồng (tăng 26% so với năm 2021); doanh thu từ sửa chữa tàu đạt 688 tỷ đồng (tăng 32% so với thực hiện năm 2021); doanh thu từ hoạt động thương mại, kinh doanh dịch vụ đạt 153 tỷ đồng.

Về hoạt động năm 2023, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC Vũ Anh Tuấn cho biết, năm nay sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức với tổng công ty. Đặc biệt, khi SBIC vừa làm nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp, vừa phải duy trì, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, vừa phải từng bước tích lũy để trả nợ.

Năm nay, SBIC đặt mục tiêu phấn đấu triển khai thi công 87 sản phẩm, bàn giao cho khách hàng 63 sản phẩm; tổng doanh thu dự kiến hơn 2.911 tỷ đồng.

sbic-1675234087.jpg SBIC triển khai nhiệm vụ năm 2023 trong ngổn ngang những công việc cũ để lại.

SBIC có tiền thân là Tập đoàn Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Năm 2010, khi Vinashin thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước, tập đoàn này bước vào giai đoạn tái cơ cấu và chuyển xuống mô hình tổng công ty. Từ đó tới nay, tổng công ty này tiếp tục lâm cảnh khó khăn, thua lỗ, nợ khó trả.

Hiện SBIC gánh bao nhiêu lỗ chưa có con số công bố cụ thể, nhưng theo một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, SBIC vẫn lỗ hơn 3.779 tỷ đồng (không gồm lỗ lũy kế).

Mới đây, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Vũ Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên SBIC - do có vi phạm. Ông Tuấn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Lãnh đạo Bộ Bộ Giao thông vận tải cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Cao Thành Đồng - Thành viên Hội đồng Thành viên SBIC - do có vi phạm. Ông Đồng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy SBIC các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát. Theo đó, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, các đơn vị trực thuộc và một số cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng kinh phí tái cơ cấu doanh nghiệp; làm thất thoát, lãng phí lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cá nhân bị xử lý hình sự.