TP. Đà Lạt ngập lụt nghiêm trọng: Mưa cực đoan hay quy hoạch có vấn đề?

Trong khi lãnh đạo UBND TP. Đà Lạt cho rằng một số khu vực trên địa bàn ngập trong dịp nghỉ lễ là do mưa cực đoan thì nhiều chuyên ra chỉ ra vấn đề quy hoạch, xây dựng đã khiến nước không thể thoát.

Cơn mưa lớn ngày 1/9/2022 khiến nhiều khu vực thuộc TP. Đà Lạt - Lâm Đồng mênh mông nước. Đoạn đường Phan Đình Phùng dài hơn 100 mét ngập nặng, nước tràn cả vào nhà dân, cuộc sống nhiều gia đình đảo lộn. Ngoài ra, nhiều khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám, Trạng Trình, Trương Văn Hoàn, Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân... chứng kiến cảnh nước lênh láng.

Tình trạng ngập lụt này chỉ xuất hiện sau cơn mưa lớn kéo dài chừng 1 tiếng đồng hồ, nhiều người không kịp trở tay. “Phòng khách nhà tôi cũng chính là văn phòng công ty của gia đình. 7 chiếc máy tính không kịp di chuyển bị nước ngập nên hỏng hết. Cả tủ lạnh, máy giặt cũng chỉ kịp rút điện ra, giờ cũng không biết sao nữa, chắc cũng hỏng luôn rồi" - lời của một người dân ở khu vực ngập lụt cho thấy người dân rất bất ngờ, không có sự sẵn sàng cho sự cố ngập lụt.

Theo lý giải của ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt, tình trạng ngập ngày 1/9 tại một số khu vực trên địa bàn là do mưa cực đoan.

TP. Đà Lạt ngập lụt nghiêm trọng: Mưa cực đoan hay quy hoạch có vấn đề? - Ảnh 1 Ngày 1/9, nhiều người dân TP. Đà Lạt - Lâm Đồng vật lộn với vùng ngập lụt.

"Toàn thành phố mưa nhưng mưa lớn nhất là khu vực phía tây bắc thành phố. Nước ở khu vực này thoát qua cống, qua suối Cam Ly không kịp khiến ngập xảy ra. Thời gian ngập rất ngắn, khi mưa giảm thì việc ngập cũng giảm và chấm dứt theo cơn mưa. Những ngày trước đó, ngập cũng xảy ra ở những vị trí khác và nguyên nhân tương tự", ông Trình nói trên tờ Tuổi trẻ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại đưa ra góc nhìn ngược lại. TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn, người có nhiều nghiên cứu về quy hoạch đô thị Đà Lạt cho rằng, 10 năm trở lại đây, TP. Đà Lạt có nhiều công trình dồn vào trung tâm thành phố đã khiến vùng nội ô gặp rủi ro trong quá trình phát triển chung.

Theo ông Sơn, địa hình cao như Đà Lạt, khi mưa lớn, với diện tích bê tông hóa như hiện nay cùng độ dốc khiến nước thoát xuống nhanh. Khi nước dồn về một chỗ quá nhanh sẽ không có cống nào thoát kịp.

Đồng quan điểm, KTS Lê Tứ - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, khu vực thượng nguồn suối Cam Ly quy hoạch nhà kính, nhà lưới chưa hợp lý, và đây là nguyên nhân làm Đà Lạt ngập sau khi mưa lớn.

Việc xây dựng nhà kính mang tính chất phong trào, đại trà với mật độ cao đã phá vỡ cảnh quan của Đà Lạt, làm tăng hiệu ứng nhà kính.

TP. Đà Lạt ngập lụt nghiêm trọng: Mưa cực đoan hay quy hoạch có vấn đề? - Ảnh 2 Nhà kính đang khiến TP. Đà Lạt đứng trước nguy cơ trở thành rốn ngập (Ảnh TTO).

Về lý thuyết, những vùng đất có nhà kính hệ số thấm nước bằng 0. Có nghĩa mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm nilon và đổ ào ào ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ với tốc độ chảy mạnh, dù mưa không to nhưng vẫn xảy ra lũ, lụt.

Theo các số liệu mới nhất từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích sản xuất rau hoa của Đà Lạt khoảng 18.000ha nhưng có khoảng 10.000ha nhà kính. Diện tích nhà lưới nhà kính chủ yếu nằm ở những vùng nông nghiệp lớn dọc suối Cam Ly như Thái Phiên, Chi Lăng, Mê Linh.

Bên cạnh đó, Đà Lạt đang nóng lên với đỉnh nhiệt độ có lúc vượt ngưỡng 30 độ C gây nên tình trạng oi bức khó chịu. Một trong những nguyên nhân là do phát triển "nóng" các nhà kính. Mật độ nhà kính dày đặc che hết diện tích bề mặt của đất khiến nước mưa không thể thấm xuống mà tập trung thành những dòng chảy lớn dẫn đến xói mòn đất sản xuất nông nghiệp; gây ra lũ ống, ngập lụt cục bộ vào những ngày mưa lớn làm bồi lắng ao, hồ, sông, suối…

Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết tình trạng ngập lụt có thể xảy ra trong tương lai, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cần gấp rút cần có những nghiên cứu, đánh giá toàn diện các yếu tố tác động gây biến đổi cảnh quan, suy giảm hệ số thấm nước, mật độ xây dựng đô thị. Đặc biệt, cả yếu tố lâu nay chúng ta bỏ ngỏ là tổ chức sản xuất nông nghiệp.