Hội thảo "Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP HCM" do UBND TP HCM chủ trì tổ chức ngày 21-10 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) về những giải pháp phát huy, nâng cao hiệu quả chương trình giai đoạn 2022-2032.
Mở rộng ra cả chuỗi cung ứng
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất thành phố xem xét mở rộng chương trình cho cả chuỗi cung ứng từ nguyên liệu sản xuất đến sản phẩm hàng hóa... để tránh tình trạng giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao tác động mạnh tới giá cả sản phẩm. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM (VFA), bày tỏ mong muốn thành phố kết nối để tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến chế biến, vận chuyển, phân phối… cùng tham gia và thống nhất cắt giảm một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với toàn chuỗi và người tiêu dùng. "Nếu làm được như vậy, hiệu quả của chương trình sẽ được nâng cao, tạo sự đột phá và được nhân rộng" - bà Lý Kim Chi nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp ở TP HCM kỳ vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh, thành tham gia cung cấp hàng hóa cho chương trình bình ổn thị trường của TP HCM. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH SX-TM Phong Thúy (Lâm Đồng) sơ chế rau để cung cấp cho các hệ thống siêu thị tại TP HCM
Đại diện các DN lương thực - thực phẩm cũng đề xuất thành phố cần tăng cường hỗ trợ truyền thông nhận diện thương hiệu của chương trình để giúp người dân dễ dàng nhận diện hình ảnh thương hiệu và tin tưởng sử dụng.
Ở góc độ DN phân phối, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), kiến nghị thành phố gấp rút hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với những cam kết của thị trường quốc tế và nội địa, thúc đẩy nhanh việc áp dụng quy chế triển khai chương trình bình ổn thị trường (BOTT) nhằm cụ thể hóa hơn nữa cơ chế, chính sách hỗ trợ, phân định trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia chương trình. Đồng thời, đẩy mạnh quy hoạch, phát triển thương mại hiện đại nhằm đáp ứng tốt hơn việc cung ứng hàng hóa ra thị trường; phát triển hệ thống logistics; đẩy mạnh kết nối cung cầu, phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, chuỗi cung ứng... Bên cạnh đó, cần linh động bổ sung nhanh thêm các mặt hàng BOTT, mở rộng chương trình bình ổn ở cả kênh trực tiếp lẫn trực tuyến (online). Cùng với đó là gắn công tác BOTT với phát triển tổng thể chuỗi giá trị hàng hóa, chuỗi cung ứng, các chương trình vận động; huy động tổng thể các nguồn lực từ các thành phần khác nhau cùng tham gia BOTT…
Cùng quan điểm này, đại diện hệ thống MM Mega Market góp ý thành phố cần có giải pháp huy động tối đa các nhà sản xuất, phân phối (siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống…) cùng tham gia nhằm giúp lan tỏa nhanh, mạnh hiệu quả bình ổn, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội ở phạm vi rộng hơn, từ đó tạo đột phá cho chương trình.
Gắn với phát triển bền vững
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, nhìn nhận 20 năm qua, chương trình từ bình ổn giá đến BOTT đã cho thấy tầm nhìn chiến lược, có tính dẫn dắt của chương trình. Đến nay, bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ BOTT, tất cả các DN trong chương trình đều phát triển lớn mạnh, quy mô sản xuất và đầu tư cho sản xuất ngày càng tăng. "Với những thành công đó, chúng ta tiếp tục phát huy chương trình. Tuy nhiên đi vào chiều sâu, thể hiện tầm vóc cho chu kỳ 20 năm tới (2022 - 2032). BOTT 20 năm nay là để lo an sinh xã hội, 20 năm tới sẽ gắn với phát triển bền vững" - ông Hòa nêu quan điểm.
Ông Hòa gợi ý thời gian tới, chương trình nên tiến tới chuẩn mực hàng hóa mới, nâng tiêu chuẩn hàng hóa trong chương trình. "Có thể đặt ra tiêu chuẩn chung cho hàng hóa trong chương trình phải đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, từ đó tạo cơ chế cho thị trường trở nên công khai minh bạch hơn, giải quyết bài toán an toàn thực phẩm cho hơn 10 triệu dân TP" - ông Hòa nói thêm.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng đánh giá cao hiệu quả chương trình BOTT của TP HCM 20 năm qua. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn nhất do đại dịch COVID-19, khi người dân hoang mang, đẩy mạnh thu gom tích trữ, hoạt động sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa gặp nhiều khó khăn thì cộng đồng DN thành phố nói chung, DN BOTT nói riêng đã chủ động, sáng tạo, kịp thời ứng phó tình hình mới, phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất cao, khẳng định được vai trò dẫn dắt thị trường, góp phần cùng thành phố giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, duy trì các chuỗi cung ứng. "Đại dịch cũng giúp chúng ta nhận ra nhiều thách thức, tồn tại, hạn chế, yếu kém cần khắc phục, điển hình là chuỗi cung ứng hàng hóa còn rời rạc, dễ bị đứt gãy. Đại dịch cũng chỉ ra cơ hội lớn, đòi hỏi DN phải điều chỉnh, thích nghi, đó là sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại điện tử" - bà Phan Thị Thắng nhìn nhận.
Thống nhất mô hình quản lý an toàn thực phẩm
TS Trần Tiến Khai, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, chỉ ra một vấn đề là người tiêu dùng thành phố không chỉ cần bình ổn về giá cả hàng hóa mà còn cần nguồn cung bảo đảm và an toàn thực phẩm. Vì vậy, cần thống nhất mô hình quản lý an toàn thực phẩm giữa TP HCM và các tỉnh để tạo thuận lợi trong cung ứng, tiêu thụ hàng hóa cũng như điều phối chuỗi lương thực thực phẩm toàn vùng.
Ông đề xuất nhà nước nên nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý an toàn thực phẩm hợp nhất ở cấp quốc gia, cụ thể là nhân rộng mô hình quản lý an toàn thực phẩm tại TP HCM ra các tỉnh, thành khác, tránh những bất cập khi ba bộ cùng quản lý như hiện nay.