TPHCM: 'Ăn nhậu quá đà, coi chừng dính F0…'

Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan, cảnh báo việc cho phép mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ có phục vụ rượu bia ở một số nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng chống dịch COVID-19.

Tối 29/10, tại chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan và Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng đã trả lời trực diện các băn khoăn, thắc mắc của người dân về các vấn đề liên quan đến kiểm soát dịch và kinh doanh ăn uống tại chỗ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM và ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế (thứ 2 từ phải qua) đăng đàn đối thoại với người dân

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, trước nhu cầu bức thiết, thành phố đã cho phép dịch vụ ăn uống tại chỗ hoạt động trở lại sau nhiều tháng tạm dừng. Các cơ sở kinh doanh ăn uống phải đáp ứng đầy đủ Bộ tiêu chí an toàn về phòng chống dịch. Một số nơi ở quận 7, TP Thủ Đức được thí điểm phục vụ rượu bia...

Tuy nhiên, bà Phong Lan cảnh báo, người dân không nên chủ quan bởi dịch vụ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là những nơi có phục vụ rượu bia.

“Nếu ca nhiễm tăng vọt, thành phố sẽ không cho bán rượu bia”, bà Lan nhấn mạnh.

Nói về những nguy cơ mất an toàn, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết với hàng nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, việc tuân thủ các quy định về an toàn phòng chống dịch chủ yếu là dựa trên ý thức của khách hàng và chủ cơ sở trong việc giữ khoảng cách, quét mã QR, khai báo y tế...

Khi vào quán ăn, uống, hầu hết thực khách không đảm bảo việc đeo khẩu trang. Đặc biệt, khi dùng rượu bia, nhiều người còn có thói quen giao lưu với nhau. Nguy hiểm hơn, người dân ở nhiều nơi chưa được phép phục vụ bia rượu có xu hướng đổ về Quận 7, TP Thủ Đức để được sử dụng dịch vụ này.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, người dân, lãnh đạo TP Thủ Đức, quận 7 rất lo lắng khi thực hiện thí điểm vì không chỉ phục vụ người dân trên địa bàn mà còn thu hút người từ những nơi khác đến.

“Trong các quán ăn chắc chắn sẽ có F0. Có đáng không khi mình phải đi xa để nhậu rồi bị lây nhiễm? Đóng cửa hoài thì thành phố không chịu nổi. Mở ra mà để ca nhiễm tăng vọt thì đốt bỏ hết những nỗ lực trong nhiều tháng qua. Với một thành phố lớn như TPHCM, cơ quan chức năng không thể quản suốt 24/24. Vấn đề chính vẫn là ý thức của thực khách và các chủ cơ sở”, bà Lan nói và đề nghị mỗi người dân phải tự ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan còn cho biết nhiều nơi chưa được phép nhưng vẫn lén lút kinh doanh ăn uống tại chỗ kèm bia, rượu. Trong 2 ngày qua, lực lượng chức năng tại hai quận Bình Tân, Tân Phú đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm.

Theo bà, nhiều nơi ở quận 7, TP Thủ Đức “mở quán nhậu tưng bừng” trong những ngày qua cũng chưa đúng quy định. Thành phố đã đặt ra tiêu chí chỉ được phép thí điểm dịch vụ ăn uống tại chỗ có phục vụ rượu bia tại một số địa bàn đã kiểm soát được dịch bệnh.

“Uống bia rượu khác với uống cà phê. Chúng tôi cực kỳ lo ngại. Người dân cần thay đổi thói quen khi vào quán như luôn đeo khẩu trang trước và sau khi ăn, hạn chế tụ tập giao lưu và không nên ngồi quá lâu trong quán, dễ bị lây nhiễm dù đã tiêm đủ vắc xin.”, bà Lan khuyến cáo.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng, vắc xin chỉ giúp làm giảm tỷ lệ tử vong, giảm chuyển nặng chứ không ngừa bệnh được 100%. Người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có thể bị nhiễm bệnh và lây cho người khác. Vì vậy, tuy dịch COVID-19 tại TPHCM đã giảm, người dân cần tiếp tục cảnh giác, luôn tuân thủ 5K.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, TPHCM đã qua hai ngày tiêm đại trà vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ đủ 12 tuổi đến 17 tuổi. Dự kiến đợt đầu, TPHCM sẽ tiêm trong 5 ngày. Sau đó thực hiện tiêm vét thêm 2 ngày để đảm bảo tiêm hết cho khoảng 760 nghìn trẻ ở độ tuổi trên.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, người dân các tỉnh khi quay lại làm việc sẽ được TPHCM tiêm vắc xin theo 2 phương thức: Người dân chủ động đăng ký tại tổ dân phố nơi tạm trú hoặc chủ doanh nghiệp lập danh sách để tiêm vắc xin cho người lao động tại doanh nghiệp.

Theo ông Hưng, độ tuổi từ 12 - 17 chủ yếu là học sinh. Số ít là các trẻ em ở các mái ấm, nhà mở…. Học sinh sẽ được tiêm chủng tại trường học. Riêng các cháu không đi học thì được tiêm ở cộng đồng (trạm y tế, bệnh viện quận – huyện nếu có bệnh nền). Ngoài ra, trong đợt này, TPHCM cũng tiêm cho các cháu đang điều trị tại các bệnh viện Nhi hoặc có chuyên khoa Nhi, kể cả các cháu từ các tỉnh lên TPHCM điều trị bệnh hoặc đang tạm trú tại TPHCM.

Ở độ tuổi 13 – 17, Bộ Y tế đã duyệt 2 loại vắc xin. Tuy nhiên, TPHCM đang sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em với khoảng cách giữa 2 mũi tiêm từ 3-4 tuần.

Theo ông Hưng, các trẻ em có bệnh nền như huyết áp, ung thư… vẫn đến điểm tiêm bình thường. Các điểm tiêm chủng sẽ có bác sỹ khám sàng lọc để đánh giá có đủ điều kiện tiêm hay không. Sau khi tiêm, các cháu lưu lại khoảng 30 phút để theo dõi. Nếu không có bất thường thì sẽ cho về.

Phụ huynh phải theo dõi các cháu trong 28 ngày, đặc biệt là 3 ngày đầu sau tiêm, không cho các cháu vận động mạnh, cho uống nước nhiều, dinh dưỡng đầy đủ. Vài ngày đầu, các cháu có thể mệt mỏi với các triệu chứng như mỏi cơ, sốt… Nếu bất thường thì liên hệ với bác sỹ, nhất là khi các cháu bị sốt cao. Ngoài ra, trong quá trình đến tiêm, trẻ em cần giữ khoảng cách, tuân thủ 5K, không chạy nhảy giao lưu để tránh bị lây nhiễm tại điểm tiêm chủng", Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng nói.