TP.HCM chưa có kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em

'Trẻ em là tài sản của quốc gia nên chưa có quy định tiêm vaccine của Bộ Y tế thì không để các em tự ý ra đường, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe', Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Sáng 30/9, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng chống dịch phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn tại TP.HCM từ 1/10, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố, cho biết mục tiêu của chỉ thị mới là tiếp tục kiểm soát dịch trên toàn địa bàn, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân; phát triển kinh tế, khôi phục kinh tế, đưa sinh hoạt của người dân từng bước sang bình thường mới.

TP.HCM chưa tiêm vaccine cho trẻ em

Trả lời câu hỏi của phóng viên về kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sau ngày 30/9, thành phố sẽ chuẩn bị kế hoạch này khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp.

Nhân viên y tế TP Thủ Đức xét nghiệm tại vùng xanh. Ảnh: Duy Hiệu.

Về việc kiểm soát di chuyển đối với nhóm trẻ em dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine, ông Lê Hòa Bình cho biết thành phố mở cửa theo lộ trình nên các em dưới 18 tuổi chưa đến trường mà học trực tuyến. Do đó, nếu không có việc cần thiết, nhóm này không nên ra đường.

"Trẻ em là tài sản của quốc gia nên chưa có quy định tiêm vaccine của Bộ Y tế thì không để các em tự ý ra đường, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe", ông Bình nói.

Ngoài ra, ngành y tế có lộ trình giảm dần bệnh viện dã chiến, tùy thuộc vào số lượng F0. Thành phố ưu tiên chuyển bệnh viện quận, huyện về hai chức năng.

TP.HCM hiện có 11 địa phương công bố kiểm soát được dịch Covid-19 gồm quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, quận 5, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, TP Thủ Đức, quận Tân Bình, quận 1 và quận 3. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, thành phố ghi nhận hơn 380.870 ca nhiễm, 14.631 người tử vong.

Từ đầu tháng 9 đến nay, số ca bệnh nặng cần nhập viện tại tầng 2 và 3 cũng như tỷ lệ F0 chuyển nặng, cần hỗ trợ hô hấp tại thành phố có xu hướng giảm dần. Những ngày qua, số ca tử vong cũng như tỷ lệ test nhanh dương tính tại thành phố giảm rõ rệt, các giường điều trị trống dần. Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch kéo dài nhiều tháng qua ở TP.HCM.

Tiếp tục giám sát người có triệu chứng nghi ngờ

Vị lãnh đạo này cho biết đánh giá của các đoàn công tác của thành phố sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại 22 quận, huyện cho thấy thành phố cơ bản kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, một số khu vực nhỏ, phường, khu phố, tổ dân phố vẫn còn ở mức cấp độ 3 và 4 (nguy cơ và nguy cơ rất cao).

Từ ngày 1/10, thành phố tiếp tục xét nghiệm tách nguồn lây nhiễm mạnh tại khu vực nguy cơ cấp 3, 4, triển khai biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong buổi họp sáng 30/9. Ảnh: Thu Hằng.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố tiếp tục xét nghiệm tầm soát, giám sát tất cả người có triệu chứng nghi ngờ, có trọng điểm tại khu vực nguy cơ cao như chợ, bệnh viện, trường học, bến xe, phương tiện vận chuyển...

Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích doanh nghiệp, người dân tự tổ chức test nhanh kháng nguyên, đánh giá cấp độ dịch thường xuyên theo quy mô dựa trên tiêu chí của Ban chỉ đạo Quốc gia.

Về điều trị, hệ thống y tế thành phố tiếp tục phát huy mô hình 3 tầng. Mục tiêu là tập trung điều trị tốt nhất cho người bệnh, giảm tỷ lệ F0 tử vong thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo việc nghiên cứu thành lập khoa Covid-19.

Thành phố đề nghị 22 quận, huyện và TP Thủ Đức có kế hoạch đáp ứng điều trị, chăm sóc F0 tại cộng đồng, chuẩn bị nguồn oxy, trang thiết bị cấp cứu, phối hợp hệ thống y tế công lập và tư nhân trên địa bàn phường, xã, thị trấn; huy động nguồn lực tham gia chăm sóc F0 tại nhà từ phòng khám, cộng đồng, đội ngũ y bác sĩ về hưu...