TP.HCM có nên 'mở cửa từng phần' với vùng đã kiểm soát được dịch?

Công bố kiểm soát được dịch, song lãnh đạo các địa phương ở TP.HCM chưa muốn giảm giãn cách từ 6/9. Còn chuyên gia cho rằng TP nên mở cửa từng phần theo ngành nghề thay vì địa bàn.
kiem soat dich tai TP.HCM anh 1

"Từ thứ 2 tuần sau, quận 7 thí điểm áp dụng Chỉ thị 15 mới (chỉ trong nội quận)... Nhà hàng được phép mở cửa nhưng chỉ phục vụ cho khách đã tiêm 2 mũi...". Đoạn tin nhắn trôi nổi trên mạng xã hội trong suốt 2 ngày qua được Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái khẳng định với Zing là tin giả.

Là một trong hai địa phương đầu tiên công bố kiểm soát được dịch tại TP.HCM, nhiều người dân quận 7 háo hức chờ đợi chính quyền địa phương công bố giảm mức giãn cách. Tuy nhiên, ông Thái khẳng định quận chưa có kế hoạch giảm biện pháp giãn cách trước 15/9 - thời điểm toàn bộ TP.HCM dự kiến kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường.

Đây không phải quan điểm của riêng ông Thái. Chuyên gia dịch tễ và lãnh đạo một số “vùng xanh” khác cũng cho rằng với sự kết nối giao thương chặt chẽ như hiện nay thì khó có thể “cô lập” một quận/huyện/TP để giảm mức giãn cách trong khi dịch bệnh vẫn len lỏi ngoài cộng đồng.

Địa phương muốn giữ vững "vùng xanh"

Toàn TP.HCM hiện có 53% tổ dân phố "vùng xanh", 18% tổ dân phố "vùng đỏ", còn lại là cận xanh, vàng, và cam. Ngoài quận Bình Thạnh, quận 4 và quận 11, các quận/huyện/TP còn lại đều có tỷ lệ vùng xanh và cận xanh trên 50%. Trong số đó, quận 7 và huyện Củ Chi là 2 địa phương đầu tiên công bố kiểm soát được dịch vào hôm 2/9.

Tỷ lệ vùng xanh và cận xanh ở các địa phương của TP.HCM
 
Nhãn Bình Tân Quận 8 Bình Chánh TP Thủ Đức Bình Thạnh Tân Bình Quận 10 Quận 12 Quận 4 Hóc Môn Quận 1 Quận 7 Quận 6 Nhà Bè Quận 5 Tân Phú Quận 3 Gò Vấp Quận 11 Củ Chi Phú Nhuận Cần Giờ
Tỷ lệ vùng xanh, cận xanh % 60 55 82 80 41 61 55 64 38 58 58 60 57 62 65 62 72 64 31 96 69 94

Thành tích nổi bật nhất của quận 7 là kéo giảm mạnh số ca tử vong. Nếu trước đây, địa phương này có 4-5 ca tử vong/ngày thì nay chỉ còn 2 ca/ngày. Riêng ngày 2/9, quận không ghi nhận trường hợp nào. Còn huyện Củ Chi thành công trong việc "xanh hóa" nhiều vùng đỏ, toàn huyện có 17/21 xã bình thường mới. Tỷ lệ tổ dân phố xanh chiếm tới 94%.

Ngoài 2 quận/huyện đã công bố kiểm soát được dịch, nhiều địa phương khác trong thành phố cũng có tỷ lệ tổ dân phố xanh khá cao. Bí thư huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết địa phương hiện có 86,9% tổ nhân dân vùng xanh. Đến nay, huyện khẳng định đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về kiểm soát được dịch.

Dù nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực từ công tác chống dịch, lãnh đạo các địa phương vẫn ngần ngại trước ý tưởng giảm mức độ giãn cách xã hội từ 6/9 và đều muốn tiếp tục giữ vững "vùng xanh" tới 15/9.

Bí thư quận 7 Võ Khắc Thái cho rằng quận 7 khó có thể “đóng cửa” với các địa phương lân cận khi có nhiều tuyến giao thông liên quận/huyện qua địa bàn. Đặc biệt, quận 7 có 3 cảng lớn là Cảng Bến Nghé, Cảng Last Tân Thuận Đông, Cảng Bông Sen nên việc giao lưu hàng hóa ra/vào cảng là không thể dừng lại.

Có quan điểm tương tự, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng nhận định hoạt động của huyện rất khó tách rời khỏi các vùng khác trong thành phố. Việc giao lưu với các địa phương lân cận để đảm bảo cung ứng hàng hóa, an sinh xã hội, y tế cho người dân là cần thiết nên địa phương này chưa nghĩ tới chuyện giảm mức giãn cách trước 15/9.

Trong khi đó, Bí thư Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng đã có thư gửi tới người dân hôm 3/9, nhấn mạnh gian đoạn tiếp theo, huyện sẽ phòng thủ để giữ vũng "vùng xanh". Ông khẳng định đây mới là giai đoạn khó khăn nhất và huyện tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn các biện pháp siết chặt theo Chỉ thị 16 bởi "nếu lơ là sẽ phải trả giá đắt".

Mở cửa từng phần theo ngành nghề thay vì địa bàn

Phương án “khoanh vùng” một quận/huyện để áp dụng biện pháp giãn cách khác từng được TP.HCM áp dụng với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) vào đầu tháng 6. Khi đó, 2 địa bàn này áp dụng Chỉ thị 16, trong khi cả thành phố áp dụng Chỉ thị 15.

Nhìn lại giai đoạn đó, thành phố ít nhất 2 lần phải giải quyết tình trạng ùn tắc ở các chốt kiểm soát liên quận khu vực này cùng không ít rắc rối phát sinh khác. Hiệu quả của biện pháp này đến giờ vẫn còn là dấu hỏi. Tuy nhiên, thực tế là sau 2 tuần cách ly xã hội các khu vực này, dịch bệnh vẫn không được kiểm soát và tiếp tục lan rộng đến nay.

kiem soat dich tai TP.HCM anh 2

Quận Gò Vấp từng nhiều lần gặp rắc rối trong việc kiểm soát tại các chốt liên quận khi áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh: Phạm Ngôn.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP.HCM) cho rằng việc một số địa phương đã kiểm soát được dịch là tin vui, giống như "ánh sáng cuối đường hầm". Tuy nhiên, ông nhận định việc xem xét thay đổi biện pháp giãn cách tại phạm vi địa lý như quận/huyện cần xem xét kỹ lưỡng.

Cụ thể là khu vực đó có đảm bảo được sự độc lập với các địa phương khác không. Một quận/huyện chỉ nên khoanh vùng lại nếu người dân có thể sống "khép kín" trong chính địa bàn đó mà vẫn được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, thực tế là hiện tại các quận, huyện, TP ở TP.HCM có mối giao lưu chằng chịt từ hàng hóa, dịch vụ khám chữa bệnh, làm việc…

Về mặt khoa học, việc giảm giãn cách đòi hỏi một vùng có tính độc lập, cô lập được so với các vùng khác. Điều này không chỉ quận 7 hay huyện Củ Chi mà rất nhiều địa phương khác cũng không đạt được. Tuy nhiên, ông cho rằng huyện Cần Giờ có đủ điều kiện để cân nhắc do có địa bàn tách biệt hơn.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm quốc tế thì kế hoạch mở cửa luôn dựa trên một vùng rộng lớn chứ không phải một địa bàn nhỏ như quận/huyện. Bên cạnh những yếu tố trên, ông Dũng cũng cho rằng các quận/huyện nên có sự quyết tâm, đồng lòng hỗ trợ nhau để không quận/huyện nào bị “bỏ lại phía sau”.

kiem soat dich tai TP.HCM anh 3

TP.HCM đang lên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế sau 15/9. Ảnh: Y Kiện.

Dù không tán đồng phương án “mở cửa từng phần” theo địa bàn, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đề xuất phương án mở cửa theo ngành nghề, lĩnh vực có tính riêng lẻ, có thể hoạt động khép kín, ví dụ như doanh nghiệp, xí nghiệp hoạt động, sản xuất nội bộ, không tạo ra nguy cơ lây nhiễm lớn trong cộng đồng. Các đơn vị này có thể hoạt động với công suất tăng dần từ 30%, 50% đến 70%.

Ông hy vọng sau 15/9, nếu cùng xem xét mở cửa trên toàn thành phố thì các biện pháp sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều do giảm được chi phí quản lý và tăng chi phí cơ hội kèm theo. Ví dụ trước kia, việc hạn chế người ra/vào quận Gò Vấp đòi hỏi lực lượng lớn y tế, công an tham gia kiểm tra, giám sát ở các chốt chặn. Còn nếu tổ chức hoạt động lại theo ngành nghề, lĩnh vực thì giảm được lực lượng kiểm tra này mà lại giúp hồi phục kinh tế.

 

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng thành phố trước mắt nên tính phương án mở cửa kinh tế từng phần trong nội đô. Còn sự ra/vào từ các địa phương khác vào thành phố vẫn cần có kiểm soát chặt chẽ bằng các loại giấy thông hành.

Trước đó, ngày 15/8, TP.HCM ban hành Kế hoạch 2715 để triển khai Nghị quyết 86, phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 với 2 giai đoạn.

Giai đoạn một từ ngày 15 đến 31/8, thành phố sẽ kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng không được tiếp nhận, điều trị; mở rộng "vùng xanh", phấn đấu kiểm soát được dịch ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, quận Phú Nhuận, 5, 7 và 11.

Giai đoạn hai từ ngày 1/9, thành phố phấn đấu kiểm soát dịch trước 15/9 với các mục tiêu kéo giảm 20% số ca tử vong và các ca nặng; số người nhập viện mỗi ngày không vượt quá số xuất viện; không quá 2.000 người nhập viện mỗi ngày; đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) tiêm mũi 1 và 15% dân số tiêm mũi 2.

Tính đến 2/9, TP.HCM đã tiêm 6.268.327 mũi vaccine ngừa Covid-19; trong đó, tổng số mũi 1 là 5.899.379, mũi 2 là 368.948. Số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm vaccine là 689.191.

Tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế

Nhóm chỉ số về mắc mới COVID-19 trên địa bàn cần đạt gồm 3 tiêu chí nhỏ:

+ Số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

+ Tỷ lệ dương tính trong số mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày.

+ Địa bàn không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày.

Nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm cần đạt gồm 3 tiêu chí nhỏ: Giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao; Giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao; Giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ.