Khơi thông dự án hạ tầng
Bồi thường, giải phóng mặt bằng là vấn đề rất khó khăn của TP.HCM từ trước tới nay. Kéo theo đó là dự án chậm tiến độ, thậm chí thi công gần xong, nhưng vẫn phải “đắp chiếu”.
Đơn cử, tại Dự án cầu Nam Lý nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP. Thủ Đức), có tổng mức đầu tư 857 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 6/2016, nhằm thay thế cho cống đập Rạch Chiếc đang xuống cấp. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng đến năm 2019, mới đạt khoảng 39% khối lượng và ngưng thi công từ đó đến nay để chờ mặt bằng.
Cách đó không xa là Dự án cầu Tăng Long, tọa lạc trên đường Lã Xuân Oai, khởi công từ tháng 12/2017, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng. Kế hoạch hoàn thành năm 2019, nhưng cầu mới đạt hơn 30% khối lượng rồi “trùm mền” suốt 3 năm qua.
Tương tự, cầu Long Đại bắc qua sông Tắc (nhánh sông Đồng Nai) nối đôi bờ của 2 phường Long Bình - Long Phước, khởi công từ tháng 3/2017, với tổng mức đầu tư 353 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, dự án thực hiện được hơn 50% phải dừng thi công từ tháng 12/2018 do vướng mặt bằng.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, ước tính có tới hơn 80% dự án, công trình ì ạch, chậm trễ do vướng mặt bằng. Các dự án hạ tầng chậm tiến độ không chỉ cản trở phát triển của Thành phố, mà còn khiến chi phí giải phóng mặt bằng tiếp tục đội lên rất nhiều, kéo theo điệp khúc đội vốn do trượt giá, biến động tỷ giá, tăng chi phí dự phòng... Nhiều dự án phải chờ đến gần 20 năm vẫn chỉ nằm trên giấy.
“Nút thắt” này hy vọng sẽ được tháo gỡ khi mới đây, TP.HCM chính thức áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với mức tăng mạnh, gấp 15 lần so với giá nhà nước, có nơi lên tới 35 lần. Từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ có chuyển động lớn trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án hạ tầng, giao thông theo hình thức đầu tư công.
“UBND TP.HCM đã thành lập 3 tổ công tác nhằm tháo gỡ vướng mắc, cùng với Tổ giải phóng mặt bằng làm việc hàng tuần với các chủ đầu tư. Chắc chắn sẽ có chuyển động lớn trong công tác giải phóng mặt bằng thời gian tới”, ông Lương Minh Phúc khẳng định.
Thị trường địa ốc hưởng lợi
Không chỉ với dự án đầu tư công, nhiều dự án của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng bị “treo” vì vướng mặt bằng. Điển hình là trường hợp của Công ty cổ phần Địa ốc và Xây dựng SSG 2, theo cam kết với Thành phố, doanh nghiệp này đã tự bỏ vốn đầu tư xây dựng cầu bộ hành nối ga metro Thảo Điền (ga số 6) thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên với Dự án chung cư Thảo Điền Pearl (phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức). Nhưng đến nay đã 8 năm trôi qua, Công ty SSG 2 không thể tự thương lượng được với 3 hộ dân có quyền sử dụng 230 m2 đất trong lộ giới xây cầu dẫn, khiến dự án bị đình trệ. Vì thế, việc TP.HCM áp dụng hệ số K mới được kỳ vọng sẽ sớm tháo gỡ nút thắt này.
Khi nút thắt được tháo gỡ, dự báo sắp tới thị trường bất động sản nhiều khu vực sẽ được “đốt nóng”. Lấy ví dụ, tại TP.HCM, 10 năm trước, khu vực quận Bình Thạnh, Gò Vấp là các quận nội thành nên giá bất động sản khá cao, còn Thủ Đức là vùng ven nên giá thấp hơn đáng kể. Nhưng kể từ sau khi tuyến đường Phạm Văn Đồng được khởi công và chính thức đưa vào sử dụng (năm 2015), sau đó là một loạt công trình hạ tầng kết nối khác như hầm Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 1, cầu Thủ Thiêm 2…, khoảng cách này nhanh chóng được thu hẹp.
Đặc biệt, sau khi TP. Thủ Đức được thành lập, giá bất động sản nhiều khu vực tại thành phố mới này đã tăng lên ngang bằng các quận trung tâm. Chẳng hạn, giá bán đất mặt tiền một số tuyến đường khu vực quận 2 cũ như đường Song Hành, Lương Định Của, Trần Não… trung bình 300-400 triệu đồng/m2, tương đương các quận 1, 3 hay 10, trong khi 10 năm trước giá đất các quận trung tâm cao gấp đôi.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Vietnam đánh giá, thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2022 cũng như những năm tới sẽ có nhiều biến động, đặc biệt là giá nhà đất được hưởng lợi theo sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông.
“Năm 2022 là năm bản lề, chứng kiến hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ khi Chính phủ quyết tâm thúc giải ngân đầu tư công. Cứ 1 đồng đầu tư công sẽ kích thích đầu tư xã hội 8-10 đồng, nếu giải ngân đầu tư công hàng chục ngàn tỷ đồng sẽ kích thích thị trường ở quy mô hàng trăm ngàn tỷ đồng, đây sẽ là cú hích cực lớn cho thị trường bất động sản bứt phá”, ông Lâm nói.