Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, tính đến nay, TP.HCM đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 9,97%, dự kiến sẽ đạt mức 9,44% trong năm 2022, vượt xa so với mục tiêu ban đầu (6,5%). Địa phương cũng thu ngân sách đạt hơn 393.000 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch đầu năm.
Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng của sự phục hồi kinh tế - xã hội, vừa qua TP.HCM xuất hiện các tình huống bất lợi. Cụ thể, như tình hình Ngân hàng SCB ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến TP nói riêng, cả nước nói chung, tác động trực tiếp đến hệ thống ngân hàng, tài chính, tiền tệ, bất động sản; tình hình cung ứng xăng dầu vẫn còn tạo tâm lý không tin tưởng cho người dân. Đặc biệt, việc giải ngân đầu tư công còn thấp, chỉ đạt 27% so với cả nước.
Người đứng đầu chính quyền thành phố đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, đánh giá, có biện pháp hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của vụ việc liên quan tới Ngân hàng SCB và hoạt động kinh doanh xăng, dầu.
Nêu ra những thách thức thời gian tới, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết xu hướng giảm tăng trưởng, tăng lạm phát, chi phí, lãi suất của thị trường thế giới đã bắt đầu ảnh hưởng tới địa bàn. Một số ngành công nghiệp sản xuất bị suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống công nhân cùng với giá cả leo thang, đặt ra cho Tp.HCM bài toán về an sinh xã hội.
Ông Phan Văn Mãi cũng phân tích, một vấn đề lớn của thành phố là tỉ lệ giải ngân đầu tư công ở mức rất thấp so với bình quân cả nước. Mặt khác, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành và địa phương còn hạn chế, thái độ công vụ tại một số nơi chưa tốt, chưa hiệu quả.
Từ thực trạng trên, Chủ tịch UBND TP.HCM ông Phan Văn Mãi đề nghị, trong tháng 11, từng sở, ngành, quận huyện rà soát các chỉ tiêu của năm, đánh giá đúng thực chất để xác định cho được chủ đề trọng tâm năm 2023 là tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để phát huy kinh tế nội địa; rà soát đầu tư công, phân bổ lại nguồn lực để bố trí các dự án trọng điểm, xây dựng đề án huy động nguồn vốn xã hội, hoàn thiện tiêu chí thu hút đầu tư FDI; tập trung cải cách hành chính; tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch, doanh nghiệp, phát huy nội lực của doanh nghiệp, tập trung các giải pháp hỗ trợ sản xuất…
Ông Phan Văn Mãi nói: "Chúng ta tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng thêm nữa nội lực của chúng ta để tạo ra sự phát triển, trong điều kiện các tác động bên ngoài còn khó khăn. Chúng ta tập trung thực hiện các nhiệm vụ còn lại của năm, xây dựng kế hoạch năm sau cho tốt, tạo đà để có thể tăng tốc phát triển. Nếu không tăng tốc được thì cũng không làm cho tình hình xấu đi, giữ được nhịp như năm 2022".
Về tình hình thu, chi ngân sách, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước lũy kế 10 tháng năm 2022 tại TPHCM ước thực hiện 392.791 tỷ đồng, vượt 1,6% dự toán và tăng 22,3% so với cùng kỳ. Thu cân đối ngân sách địa phương lũy kế 10 tháng năm 2022, ước thực hiện 94.912 tỷ đồng, đạt 56,3% dự toán, chiếm 24,2% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước và tăng 21,7% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) lũy kế 10 tháng năm 2022 ước thực hiện 51.660 tỷ đồng, đạt 51,8% dự toán và giảm 20,9% so với cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 50.228 tỷ đồng, đạt 51,9% dự toán và giảm 20,7% so với cùng kỳ.