TPHCM ứng phó với biến chủng Omicron: Sớm bao phủ vắc xin mũi 3 cho cộng đồng

'Thành phố vừa phát hiện một chùm ca Omicron lây nhiễm trong cộng đồng ở một gia đình có người từ nước ngoài về. Đây là thông tin đáng lo ngại sau khi thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19', Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết hôm 19/1.

Ngành y tế TPHCM đang triển khai các giải pháp ngăn chặn biến chủng Omicron

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về 3 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron được phát hiện trong cộng đồng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) và các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân.

Quá trình điều tra dịch tễ ghi nhận chùm ca nhiễm biến chủng Omicron có liên quan tới trường hợp người nhập cảnh là bà Nguyễn Thị Nam P. (41 tuổi, ngụ tại phường 17, quận Bình Thạnh). Bà Nam P. đã tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer, từ Mỹ về Việt Nam vào ngày 5/1. Sau khi về nước, bà được cách ly tại khách sạn ở Nha Trang (Khánh Hòa). Bốn ngày sau, bệnh nhân có xét nghiệm PCR âm tính do CDC Khánh Hòa thực hiện.

Đến nay, TPHCM đã phát hiện 33 ca nhiễm biến chủng Omicron. Ngoài 3 ca bệnh trong cộng đồng nêu trên, tất cả những trường hợp còn lại đều là người nhập cảnh. Trong số các trường hợp nhiễm biến chủng mới có 1 cụ bà 82 tuổi mắc nhiều bệnh nền, được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 20 người còn lại không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại Bệnh viện Dã chiến số 12. Hiện có 12 trường hợp điều trị khỏi, đã xuất viện.

Ngày 10/1, bà Nam P. bay chuyến VN1345 từ Nha Trang đến TPHCM. Chiều tối cùng ngày, bà Nam P. được 3 người thân, gồm: Phạm Duy K. (nam, 35 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh); Phan Thị Ngọc H. (nữ, 46 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) và Trương Bích T. (nữ, 31 tuổi, ngụ Quận 11) đón tại sân bay đưa về nhà người thân ở quận Tân Bình. Sau đó, nhóm 3 người cùng đi ăn tại nhà hàng Rạn Biển trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ra về lúc 22 giờ cùng ngày.

Sau khi đến TPHCM, bà Nam P. ở nhà, không tiếp xúc với ai. Tối 13/1, bà có biểu hiện ho khan, rát họng nhẹ. Ngày 14/1, cả 3 người còn lại cũng có triệu chứng nên đi khám và được lấy mẫu gửi Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an). Ngày 15/1, khi có kết quả dương tính, Bệnh viện 30/4 gửi mẫu của 3 người qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để giải trình tự gen. Ngày 16/1, bà Nam P. liên hệ với nhân viên y tế đến nhà lấy mẫu xét nghiệm và cũng cho kết quả dương tính.

Ngày 18/1, phòng xét nghiệm của Đơn vị Nghiên cứu Lâm Sàng Đại học Oxford - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM thông báo kết quả giải mã 3 mẫu bệnh phẩm của Duy K. - Ngọc H. - Bích T., các bệnh nhân đều nhiễm biến chủng Omicron (BA.1). Sau khi điều tra dịch tễ, cơ quan y tế đã chuyển cả 4 bệnh nhân đến Bệnh viện Dã chiến số 12 để điều trị. Đây là 3 ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên trong cộng đồng được phát hiện tại TPHCM.

Lây lan nhanh

Trước sự xuất hiện của biến chủng mới, trao đổi với phóng viên, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết: “Sự xuất hiện của biến chủng Omicron là một tất yếu bởi đây là biến chủng có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Trong giai đoạn thành phố mở cửa, người dân giao lưu, tiếp xúc nhiều nên khó để ngăn chặn triệt để được mọi nguy cơ lây nhiễm. Đặc tính lây lan nhanh có thể sẽ khiến số ca bệnh mới nhiễm trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành khác tăng nhanh về số ca mới mắc Omicron trong thời gian tới”.

Tuy nhiên, theo BS Hữu Khanh, sự xuất hiện của biến chủng mới không phải là vấn đề quá lo ngại. “Về mặt chuyên môn, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra, khi nhiễm biến chủng Omicron, biểu hiện của bệnh nhân nhẹ hơn nhiều so với chủng Delta. Chúng ta đã chấp nhận sống chung với Delta thì càng nên sống chung với Omicron bởi bệnh nhân đã nhiễm Omicron thì không nhiễm Delta. Omicron lây lan nhanh và ít ảnh hưởng trên những bệnh nhân đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin”.

Mặc dù vậy, theo BS Khanh, với đặc tính lây lan nhanh của biến chủng mới có thể khiến ngành y tế rơi vào quá tải. Do đó, giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế nhiễm bệnh, diễn tiến nặng của người thuộc nhóm nguy cơ là sớm bao phủ vắc xin mũi 3 cho cộng đồng, giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, giảm áp lực quá tải bệnh viện.

Khử khuẩn toàn bộ hành lý của hành khách

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, công tác phòng chống dịch COVID-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất được thực hiện xuyên suốt từ khi dịch bùng phát đến nay. Từ đầu tháng 2/2021, sau khi phát hiện các ca mắc COVID-19 là nhân viên sân bay, đơn vị đã đưa vào hoạt động hệ thống phun khử khuẩn tự động theo hành lý toàn bộ hành khách đến và đi từ sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là một trong những giải pháp được sân bay Tân Sơn Nhất triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và hiện vẫn tiếp tục duy trì.

Ngô Bình