Blue-chips đã xanh tốt hơn trong sáng nay.
Sáng nay là phiên hiếm hoi trong nhiều tháng qua mà chỉ số VN30-Index tăng vượt trội tất cả các chỉ số khác. Không chỉ vậy thanh khoản của nhóm blue-chips này đã cũng đã chiếm tỷ trọng nhỉnh hơn midcap.
Khá nhiều cảnh báo về mức độ đầu cơ “quá lố” dường như có chút tác dụng, nhưng cũng chưa đủ để đảo ngược tình thế. Nhóm đầu cơ có hạ nhiệt sáng nay, nhưng mức độ chưa rõ ràng và dòng tiền vào bắt đáy vẫn khỏe.
VNSmallcap chốt phiên sáng giảm 0,14% và chỉ còn 63 mã tăng/114 mã giảm. Thanh khoản rổ này khá lớn với 4.494,7 tỷ đồng. Mức giao dịch này hết phiên sáng đã tương đương 77% tổng giao dịch cả ngày hôm qua.
Đà sụt giảm của nhóm này có tín hiệu khá sớm. Thay vì tăng phi mã ngay từ đầu, Smallcap bùng cao nhất 1,03% trong khoảng 20 phút đầu tiên, sau đó tụ về sát tham chiếu. Nhịp hồi sau đó đến khoảng 10h20 một lần nữa đưa chỉ số đại diện nhóm này lên sát đỉnh đầu phiên, rồi lại thất bại. Sau đó toàn thời gian, chỉ số này lao dốc với độ rộng ngày càng hẹp. Mức giảm sâu nhất là 0,95% so với tham chiếu trước khi hồi nhẹ về cuối, còn giảm 0,14%.
Nhịp hồi cuối phiên sáng phần nào cho thấy vẫn đang có cầu sẵn lòng bắt đáy ở nhóm cổ phiếu nhỏ. Tuy nhiên độ rộng vẫn là yếu tố chính xác nhất, xu hướng giảm giá cổ phiếu đã nhiều hơn. Sức nóng có phần hạ nhiệt rõ ràng, khi HoSE chỉ còn 14 mã trần, HNX còn 17 mã. Riêng UpCoM vẫn có tới 97 mã trần.
Thanh khoản trên UpCoM cũng khá cao với 2.701,6 tỷ đồng, đã tương đương 84% cả phiên hôm qua. Nhiều mã vẫn hút dòng tiền mạnh ở giá trần như DPS, HVG, PXL, SSN, PVX, ATG, PVR, PVV, AVF...
VN30-Index là chỉ số mạnh nhất sàn HoSE sáng nay.
Thay đổi đáng chú ý nhất sáng nay là sự trỗi dậy của nhóm VN30. Chỉ số đại diện rổ này đang tăng 0,88% so với tham chiếu và độ rộng ghi nhận 17 mã tăng/12 mã giảm. Dòng tiền mạnh mẽ đã trở lại, VN30 khớp 8.043,3 tỷ đồng, vượt Midcap (7.880,4 tỷ đồng).
Tiền chảy trở lại nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm này phục hồi giá mạnh mẽ. Thanh khoản đang lớn nhất nhóm tại TCB với 1.130 tỷ đồng, đứng thứ hai thị trường chỉ HPG. TCB tăng giá 2,72%. VPB khớp thành công 508 tỷ đồng, đứng thứ 5 thị trường, giá tăng 2,68%. CTG đứng thứ 6 với 444,2 tỷ đồng, giá tăng 2,8%...
Toàn bộ 27 cổ phiếu ngân hàng trên cả 3 sàn đều tăng giá, trong đó chỉ có VCB tăng 0,82% và SSB tăng 0,69% là dưới ngưỡng 1%. HDB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất kịch trần, tạm thời đang dừng ở giá chốt cao nhất lịch sử với mức 30.200 đồng. Đây cũng là giá đỉnh lịch sử cũ hồi đầu tháng 7 vừa qua. HDB cũng thanh khoản rất tốt với 438,2 tỷ đồng, đứng thứ 7 thị trường mà vẫn còn gần 500 ngàn cổ dư mua giá kịch trần.
Vai trò lớn của cổ phiếu ngân hàng cũng là động lực chính giúp VN30-Index tăng vượt trội tất cả các chỉ số khác. TCB tăng 2,72%, BID tăng 2,47%, CTG tăng 2,8%, VPB tăng 2,68%, HDB tăng 6,9%, ACB tăng 3,54%, VCB tăng 0,82%, MBB tăng 1,59%, STB tăng 1,99% là 9/10 cổ phiếu kéo điểm nhiều nhất cho VN30-Index. Trong 13,16 điểm tăng của chỉ số này sáng nay thì nhóm ngân hàng nói trên đóng góp 12 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng là những mã gây thất vọng lớn nhất gần đây, đặc biệt khi bị so sánh với biên độ tăng của các mã đầu cơ. Tín hiệu quay lại của dòng tiền hôm nay là biểu hiện tốt, nhưng vẫn cần thêm thời gian để chắc chắn về một xu hướng thực sự bền vững.
VN-Index sáng nay cũng được các cổ phiếu ngân hàng nâng đỡ khá tốt, nhưng cũng chịu ảnh hưởng của nhiều mã khác giảm nhiều hơn so với VN30-Index. Chỉ số chính chốt phiên sáng tăng 4,07 điểm tương đương 0,28%. Độ rộng ghi nhận 185 mã tăng/269 mã giảm, trong đó 14 mã kịch trần. GAS rớt 2,72%, HPG giảm 1,8%, VHM giảm 0,97%, GVR giảm 1,76% kìm hãm đáng kể khả năng nâng đỡ của cổ phiếu ngân hàng.
Khối ngoại đang bán ròng 595 tỷ đồng trên HoSE, khoảng 12 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 11 tỷ trên UpCoM. HPG vẫn là cổ phiếu bị xả ròng lớn nhất với gần 177 tỷ đồng. VPB bị bán ròng 138 tỷ. VNM, HDB, HSG, TPB, DPM, STB đều bị bán ròng trên 20 tỷ đồng. Phía mua có CTG +59 tỷ, VRE +44 tỷ là đáng kể.