Triển vọng giá dầu, vàng tuần 7 - 11/3

07/03/2022 09:40

Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.

Kết thúc phiên 4/3, giá dầu Brent tương lai tăng 7,65 USD, tương đương 6,9%, lên 118,11 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 8,01 USD, tương đương 7,4%, lên 115,68 USD/thùng. Đây là giá đóng cửa cao nhất kể từ tháng 2/2013 với Brent, từ tháng 9/2008 với WTI.

Chốt tuần, giá dầu Brent tăng 21%, WTI tăng 26%, tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2020.

Giá dầu tuần trước tăng mạnh khi Mỹ và đồng minh áp lệnh trừng phạt để đáp trả Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Các lệnh trừng phạt không nhằm vào ngành dầu và khí đốt nga nhưng vẫn có ảnh hưởng nhất định, làm gia tăng lo ngại nguồn cung thắt chặt trong những tháng tới.

Nga xuất khẩu 4 – 5 triệu thùng/ngày, là nước xuất khẩu dầu thô số hai thế giới, sau Arab Saudi. Các nhà giao dịch khó bán dầu Nga trong tuần với Shell ngày 4/3 là bên mua đáng chú ý nhất một lô hàng, bán với giá chiết khấu sâu 28 USD/thùng so với Brent.

Tình trạng này còn tiếp diễn trong bối cảnh chính quyền Mỹ thông báo cân nhắc dừng nhập khẩu dầu thô từ Nga.

“Nhập khẩu dầu từ Nga của Mỹ nhỏ nếu xét về toàn cầu”, nhà phân tích Giovanni Staunovo nói, giá dầu thô vẫn tăng vào cuối phiên vì “một số bên lo ngại các quốc gia khác cũng hành động tương tự”.

UBS ước tính giá dầu tăng 10 USD sẽ đẩy lạm phát tăng 25 – 40 điểm cơ bản.

“Giá dầu nếu tăng rồi giảm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát”, theo Chủ tịch Fed Jerome Powell. “Nhưng nếu tăng kéo dài, đó là chuyện khác. Và chúng tôi đang lo ngại vế sau hơn”.

Trong thông báo ngày 4/3, công ty dầu quốc doanh Arab Saudi Aramco quyết định nâng giá bán dầu chính thức (OSP) dầu nhẹ Arab cho châu Á thêm kỷ lục 4,95 USD/thùng so với giá cơ sở.

Theo Eric Nuttall, chiến lược gia quản lý danh mục đầu tư tại Ninepoint Partners, xuất khẩu dầu từ Nga đã bị ảnh hưởng 1,5 triệu thùng/ngày vì các lệnh trừng phạt hiện tại và sẽ có thêm 4,6 triệu thùng/ngày nữa bị ảnh hưởng nếu tình hình thêm tệ.

“Chúng ta không cần phải trừng phạt chính thức với ngành năng lượng Nga. Họ đang bị trừng phạt phi chính thức khi có nhiều bất ổn về … tín nhiệm”, Nuttall đánh giá. “BP, ExxonMobil, Shell và nhiều công ty khác đều thông báo rời khỏi Nga, không đầu tư thêm vào Nga. Do dó, sẽ có tác động mang tính cấu trúc về trung – dài hạn”.

JPMorgan ước tính nếu nguồn cung từ Nga gián đoạn đến hết năm, giá dầu Brent có thể lên 185 USD/thùng.

Về kỹ thuật, giá dầu WTI giao tháng 4 tăng 22 USD trong tuần, tạo ra khoảng trống lên lớn trong đồ thị 4 giờ và vẫn chưa lấp, Sunil Kumar Dixit, giám đốc chiến lược kỹ thuật tại SK Charting, nói. “Theo thời gian, giá dầu sẽ phải giảm để lấp khoảng trống này”.

WTI đang “cực kỳ quá mua”.

“Chúng ta vẫn có thể kỳ vọng giá dầu WTI tiếp tục đi lên, chạm 120 – 125 USD/thùng trong tuần tới. Tuy nhiên, với mỗi ngày trôi qua, giá dầu ngày càng đến gần điểm giảm mạnh về 95 – 105 USD/thùng, sau đó có thể về đỉnh 147 USD/thùng năm 2008 hoặc xuống vùng 67 – 82 USD/thùng, tùy theo diễn biến địa chính trị”.

Đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran về hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đang cận kề vạch đích, trưởng đoàn đàm phán Anh nói. Theo giới phân tích, nếu đạt thỏa thuận, Iran có thể bơm ra thị trường nguồn cung khoảng 1 triệu thùng/ngày nhưng như vậy là chưa đủ đề bù đắp cho phần thiếu hụt từ Nga.

Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 25/2 giảm 2,6 triệu thùng, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), xuống 413,4 triệu thùng. Tồn kho xăng giảm 0,5 triệu thùng, tồn kho các sản phẩm tinh chế giảm 0,6 triệu thùng.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước giữ nguyên tổng số giàn khoan đang hoạt động ở 650 giàn khoan, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu giảm 3 xuống 519, số giàn khoan khí tăng 3 lên 130 còn số giàn khoan dự phòng giữ nguyên 1.

26icyxu2vrkz3mrl3axnmvub6a-3982-16465834

Ảnh: Reuters.

Kim loại quý

Giá vàng ngày 4/3 tăng, có tuần tốt nhất kể từ tháng 5/2021, khi nhà đầu tư đổ xô đến tài sản an toàn sau thông tin một nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine bị tấn công. Giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 36,4 USD lên 1.972,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai tăng 0,6% lên 1.948,6 USD/ounce.

Đây là tuần tăng giá tốt nhất của vàng trong gần 2 năm, tiến gần về mục tiêu 2.000 USD/ounce được mong chờ trong bối cảnh tình hình chiến sự ở Ukraine làm dấy lên nhu cầu mua tài sản an toàn.

Báo cáo việc làm tháng 2 không có dấu hiệu lương tăng càng thúc đẩy giá vàng. Giới phân tích dự đoán Fed sẽ dễ dàng hơn khi quyết định tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 15 – 16/3.

“Giá vàng vẫn còn các mốc kháng cự kỹ thuật cần vượt qua nhưng 2.000 USD/ounce có vẻ không còn quá xa”, Ed Moya, nhà phân tích tại OANDA, nhận định.

“Nhu cầu tài sản an toàn tăng sau khi Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine. Chứng khoán châu Âu và euro đều mất giá, nhu cầu tài sản an toàn sẽ không sớm hạ nhiệt”.

Trong khi đó, lạm phát đang ngày càng tăng. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng 5,8% trong 12 tháng tính đến tháng 12/2021 và 6,1% tính đến tháng 1. Đây đều là mức cao nhất kể từ năm 1982. Fed chỉ chấp nhận lạm phát quanh 2%.

Bạn đang đọc bài viết "Triển vọng giá dầu, vàng tuần 7 - 11/3" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#