Trục lợi trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học - Bài 1: Vung tiền để có công bố quốc tế

28/11/2022 08:44

Các trường đại học (ĐH) Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư kinh phí để tăng công bố quốc tế. Nhiều trường chi đến vài trăm triệu đồng cho mỗi bài báo lọt vào danh mục ISI (Institute for Scientific Information - Viện Thông tin Khoa học của Mỹ) hoặc Scopus (website www.scopus.com của Nhà xuất bản Elsevier - Hà Lan). Tất cả đều nhằm mục tiêu tăng nhanh số lượng công bố quốc tế và lọt vào các bảng xếp hạng ĐH uy tín của thế giới.

Từ chi “mạnh tay” cho mỗi bài báo

Nhóm khảo sát của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đã làm một cuộc thống kê, kết quả cho thấy, 19/23 trường ĐH công lập thí điểm tự chủ từ năm 2015-2017 đã có bước nhảy vọt về số lượng cũng như chất lượng các bài báo công bố quốc tế. Trong giai đoạn 2013-2016, số lượng các bài báo được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng lên nhiều nhất (từ 848 bài năm 2014, tăng lên 1.651 bài năm 2016); số hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng gần gấp 3 trong giai đoạn 2013-2015.

Từ năm 2017 đến 2019, Trường ĐH Tôn Đức Thắng dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế, với hơn 1.000 bài ISI/Scopus trong 1 năm. Kế đến là Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Quốc gia Hà Nội…

Trong số những trường công lập tự chủ nổi lên nhiều trường có chính sách thưởng như đòn bẩy để tăng số lượng công bố quốc tế. Trường ĐH Quốc tế (đơn vị tự chủ đầu tiên của ĐH Quốc gia TPHCM) với cơ chế đặc thù đã chi hơn 30 triệu đồng cho mỗi bài báo của giảng viên được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus, khiến tỷ lệ bài báo quốc tế/tiến sĩ của trường tăng đáng kể. Hiện nay, việc công bố khoa học được trường quy định là nghĩa vụ bắt buộc của giảng viên.

Sau khi thí điểm tự chủ từ năm 2015, Trường ĐH Kinh tế TPHCM công bố mức thưởng đến 200 triệu đồng cho bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus.

Còn tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, TS Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng, cho biết, nếu giảng viên có bài công bố thuộc danh mục ISI/Scopus (phân hạng từ Q1 đến Q4), được thưởng từ 25-60 triệu đồng. Mức thưởng của trường còn phân theo nam và nữ (cán bộ nữ sẽ có mức thưởng khuyến khích cao hơn cán bộ nam 1,2 lần).

Qua đó, từ chỗ mỗi năm chỉ có vài chục bài báo quốc tế, nay đã lên đến hàng trăm. Nhiều trường còn đưa ra mức thưởng khá hấp dẫn khác là tiền cho mỗi bài báo nhân với hệ số tác động (số lượt trích dẫn) của bài báo.

Cụ thể như Trường ĐH Duy Tân, từ năm 2015, quy định mức thưởng cho mỗi giảng viên có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế thuộc ISI là 30 triệu đồng x chỉ số tác động (Impact Factor - IF)/bài báo. Với quy định này, mỗi bài báo có thể có mức thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng. Tương tự, từ năm 2018, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) đầu tư 250 triệu đồng cho một đầu sách trong danh mục ISI/Scopus trong chương trình thúc đẩy công bố quốc tế và hỗ trợ đào tạo tiến sĩ (giai đoạn 2018-2022).

Hiện nay, từ trường ĐH công lập đến trường ĐH tư thục đều có mức thưởng cho mỗi bài báo quốc tế thuộc danh mục SIS/Scopus. Các mức thưởng khác nhau nhưng bình quân ít nhất cũng từ 20-30 triệu đồng/bài báo.

Đến hợp đồng hợp tác

Bên cạnh các trường ĐH treo các mức thưởng hấp dẫn, xuất hiện tình trạng mua bán bài báo khoa học thông qua các hợp đồng mua bán giữa các nhà khoa học trong nước lẫn nước ngoài.

Cụ thể như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, năm 2015, công bố quốc tế chỉ có 157 bài báo; năm 2016 tăng lên 296 bài. Tuy nhiên, từ năm 2017-2020, trường này có sự tăng “đột biến” khi công bố quốc tế hàng năm lên đến 1.000 bài báo và vượt qua các ĐH lớn có đội ngũ nhà khoa học uy tín như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM.

Theo tìm hiểu, về thực lực thì Trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ có hơn 280 cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ, PGS, GS; hơn 490 thạc sĩ và nghiên cứu sinh; 179 giảng viên có trình độ đại học. Vì vậy, giai đoạn 2019-2020, 70% công bố quốc tế của trường có tác giả chủ yếu là người nước ngoài, người kiêm nhiệm trong nước. Số lượng công bố quốc tế không dựa vào tiềm lực sẵn có của trường, mà chủ yếu dựa vào cán bộ kiêm nhiệm ở ngoài trường.

Điều này được minh chứng qua việc trường ký hợp đồng với các nhà khoa học trong và ngoài nước để hợp tác nghiên cứu khoa học. Trường đã ký hợp đồng thuê viết bài với 300 người trong và ngoài nước và chi đến gần 260 tỷ đồng để có 5.569 bài báo…

Tương tự, Trường ĐH Duy Tân, là trường tư, đã nổi lên như là hiện tượng đầy ẩn số về công bố quốc tế cũng như xếp hạng trên các bảng xếp hạng uy tín của quốc tế. Về đội ngũ, tính đến tháng 2-2022, trường có 8 GS, 55 PGS, 196 tiến sĩ, 462 thạc sĩ (giảng viên cơ hữu chiếm 89%). Giai đoạn 2019-2021, trường công bố 95 bài báo thuộc ESCI (Emerging Sources Citation Index - danh sách những tạp chí khoa học mới nổi được ISI chấp nhận) và 173 bài thuộc Scopus.

Trường ĐH Duy Tân cũng đã ký 77 hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học và giao khoán chuyên môn đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước để hợp tác nghiên cứu, viết bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế ghi tên Trường ĐH Duy Tân. Kết quả đã có 539 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế.

 Một trong nhiều bài báo của tác giả Narjes Nabipour ghi địa chỉ là Trường ĐH Duy Tân bị Tạp chí Chemmical Engineering and Processing (trong danh mục Scopus) gỡ bỏ vì phát hiện gian lận

Một trong nhiều bài báo của tác giả Narjes Nabipour ghi địa chỉ là Trường ĐH Duy Tân bị Tạp chí Chemmical Engineering and Processing (trong danh mục Scopus) gỡ bỏ vì phát hiện gian lận

Chiếu theo Luật Khoa học Công nghệ, Quy chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Bộ GD-ĐT thì chưa có quy định về vấn đề hợp tác, hợp đồng trong nghiên cứu khoa học như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân nói trên, nhưng theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là vấn đề đạo đức khoa học và liêm chính học thuật. Các trường làm theo kiểu này chỉ đạt thành tích ảo, mất tiền và không đem lại hiệu quả một khi bị phát hiện.

Theo GS-TSKH Ngô Việt Trung, Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), ngoài 2 trường nói trên, hiện nay còn có một số trường khác cũng sử dụng phương thức hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học. Cụ thể là trường hợp nhà toán học người Thổ Nhĩ Kỳ Erdal Karapınar, làm việc tại ĐH Cankaya (Thổ Nhĩ Kỳ), từng ghi địa chỉ ở ĐH King Abdulaziz (Saudi Arabia), Trường ĐH Duy Tân và gần đây ở Trường ĐH Thủ Dầu Một.

Tra cơ sở dữ liệu MathSciNet của Hiệp hội Toán học Mỹ cho thấy, Erdal Karapınar đã có 416 bài báo bắt đầu công bố từ năm 2006 và có tới 38 bài báo liên quan đến Việt Nam, trong đó 21 bài ghi địa chỉ ở Trường ĐH Thủ Dầu Một, 1 bài ở Trường ĐH Duy Tân. Các bài khác ghi địa chỉ thật, nhưng đồng tác giả với người Việt Nam ở các Trường ĐH Tôn Đức Thắng (6 bài), Trường ĐH Vinh (6 bài), Trường ĐH Hồng Đức (3 bài)... Điều đáng nói là hầu hết các bài báo viết chung này đều đăng trên các tạp chí “Open access”, một loại tạp chí phải trả tiền mới được đăng!

Cũng theo MathSciNet, chúng tôi phát hiện thêm Trường ĐH Thủ Dầu Một bắt đầu mua bài báo từ năm 2018 của tác giả N.H.Tuấn, ghi địa chỉ trường này nhưng hiện nay là giảng viên của Trường ĐH Văn Lang (trước đó là giảng viên của Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM).

Chưa hết, N.H.Tuấn có số công bố là tác giả chính hoặc đồng tác giả ghi địa chỉ ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng là 104 bài, Trường ĐH Duy Tân là 54 bài, Trường ĐH Thủ Dầu Một là 15 bài. Dù về luật không có cơ sở để xử lý, nhưng việc làm này của ông N.H.Tuấn vi phạm đạo đức và liêm chính học thuật.

Tiến sĩ N.T.Q., giảng viên cơ hữu một trường ĐH lớn tại TPHCM thổ lộ: “Từ năm 2018-2020, tôi có ký hợp đồng thỏa thuận với Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân về việc viết bài công bố quốc tế ghi tên trường. Theo thỏa thuận, mỗi bài được đăng tôi được trả thù lao từ 60-80 triệu đồng. Thực ra trong giới nghiên cứu thì 10 người hiện nay có đến 7-8 người được các trường, viện hoặc các tổ chức trong nước và quốc tế chèo kéo viết bài thuê cho các đơn vị khác. Vấn đề liêm chính trong khoa học của các cơ sở đào tạo hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Có trường khi biết thì xem như không có gì, nếu làm to chuyện thì sợ ảnh hưởng đến uy tín của trường và điều này mặc nhiên cũng thỏa hiệp với việc làm phi liêm chính này".

Bạn đang đọc bài viết "Trục lợi trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học - Bài 1: Vung tiền để có công bố quốc tế" tại chuyên mục Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#