Trung Quốc mạnh tay nhập dầu và than của Nga trong tháng 7

Theo báo South China Morning Post, nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc từ Nga vẫn mạnh mẽ trong tháng 7, mặc dù nhu cầu trong nước nói chung giảm dần vì thách thức kinh tế hậu đại dịch.
987f7e74-3d4a-4524-bdc3-da3ea6b5d96d2d811d6f-16610920253191123297850-1661210512.jpg
Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng dầu mỏ và than đá của Nga - Ảnh: BLOOMBERG

Matxcơva vẫn vượt qua Saudi Arabia, giữ vai trò là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc trong tháng thứ 3 liên tiếp.

Theo dữ liệu mới công bố của Cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu của Nga - thông qua cả đường biển và đường ống - đạt 7,15 triệu tấn trong tháng 7-2022, tăng 7,6% so với một năm trước.

Nhập khẩu than hằng tháng từ Nga cũng tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao kỷ lục 7,42 triệu tấn trong tháng 7-2022.

Nhu cầu của Trung Quốc đối với nguồn năng lượng nước ngoài đã giảm xuống trong vài tháng qua, bởi khủng hoảng bất động sản và gánh nặng từ dịch COVID-19 kìm hãm nhu cầu nhiên liệu trong nước.

Dù vậy, các sản phẩm năng lượng đang được giảm giá của Nga là một ngoại lệ.

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, nhập khẩu than của nước này trong tháng 7 nhìn chung giảm hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu dầu thô cũng giảm 9,5%.

Trong bối cảnh dầu thô Urals hàng đầu của Nga bị các quốc gia châu Âu xa lánh bởi cuộc chiến tại Ukraine, lượng dầu này xuất khẩu đến Trung Quốc đã tăng lên đáng kể.

Hãng phân tích S&P Global cho biết trung bình mỗi ngày Trung Quốc nhập khẩu 1,03 triệu thùng dầu thô Nga trong tháng 7, giảm khoảng 6% so với tháng trước, nhưng lượng dầu thô Urals lại tăng 34%.

Trung Quốc dự kiến ​​sẽ mua thêm than của Nga trong những tháng tới. Nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu điện, do các đợt nắng nóng khắc nghiệt ở lưu vực sông Dương Tử làm suy giảm công suất thủy điện.

Ngoài ra, nhập khẩu than từ Nga của Trung Quốc cũng gia tăng kể từ cuối năm 2020, sau khi Bắc Kinh gần như ngừng mua than của Úc do căng thẳng chính trị với Canberra.