Trung Quốc phát tín hiệu điều chỉnh chiến lược Zero Covid

Phát biểu của Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan gần đây báo hiệu Bắc Kinh có thể đang điều chỉnh chính sách Zero-Covid...
Một nhân viên y tế tại Bắc Kinh ngày 4/12/2022 - Ảnh: Reuters
Một nhân viên y tế tại Bắc Kinh ngày 4/12/2022 - Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vào cuối ngày 5/12, Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan, quan chức chống dịch hàng đầu của nước này, ngồi bên một chiếc bàn hội nghị, xung quanh là các quan chức y tế đeo khẩu trang.

“Với việc biến chủng Omicron suy yếu, độ phủ tiêm vaccine và kinh nghiệm phòng chống dịch tích lũy thời gian qua, Trung Quốc đang đứng trước một tình huống mới và những nhiệm vụ mới”, truyền thông Trung Quốc dẫn lời bà Tôn từ cuộc họp.

TÍN HIỆU ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH CHỐNG DỊCH

Theo tờ Nikkei Asia, những phát biểu này không cho thấy rằng Bắc Kinh sẽ hủy bỏ hoàn toàn chính sách phòng chống dịch Zero-Covid đã theo đuổi suốt thời gian qua. Tuy nhiên, sau những căng thẳng trong nước vừa qua, phát biểu của bà Tôn báo hiệu rằng Bắc Kinh có thể đang điều chỉnh chính sách chống dịch.

Giới phân tích nhận định, chắc chắn không lâu sau phát biểu của Phó Thủ tướng, chính quyền các địa phương Trung Quốc sẽ báo cáo giảm quy mô các cuộc xét nghiệm hàng loạt và cho phép một số đối tượng nhiễm Covid được cách ly tại nhà, thay vì đưa tất cả tới các bệnh viện dã chiến.

Các thành phố lớn như Quảng Châu, Trùng Khánh và thậm chí cả Bắc Kinh đã dỡ bỏ một số hạn chế vào cuối tuần trước. Những động thái này, cùng với sự hiện diện dày đặc của cảnh sát đã giúp xoa dịu những căng thẳng trên đường phố nước này.

Tuy nhiên, những yếu tố cơ bản buộc Trung Quốc duy trì chiến lược Zero-Covid thời gian dài vừa qua vẫn không đổi. Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất, theo quan điểm của Bắc Kinh, là chính sách này có mối liên hệ chặt chẽ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, do đó việc nhanh chóng thay đổi khó xảy ra.

“Chính phủ Trung Quốc đang mắc kẹt ở góc hẹp do chính họ tạo ra”, ông Hang Yang, một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc hiện đang sống ở Australia, nhận xét.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng lo ngại về khả năng bảo vệ người dân của các loại vaccine Trung Quốc trước virus, đặc biệt là người già. Cùng với sự thất vọng về các biện pháp hạn chế, vẫn có thể cảm nhận nỗi sợ hãi về Covid trong người dân Trung Quốc. Đây được xem là động lực cho những thông điệp chính thức biện minh cho chính sách Zero-Covid của Bắc Kinh.

Tháng trước, một phụ nữ 32 tuổi sống tại Quảng Châu có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid đã tự tử sau khi được đưa tới một bệnh viện dã chiến. Theo truyền thông địa phương, người này sợ Covid và lo bị kỳ thị sau khi nhiễm bệnh.

"Chính quyền đã rất thành công trong việc thuyết phục người dân rằng Zero-Covid là một chiến lược tuyệt vời”, ông Ben Cowling, nhà virus học và giáo sư của trường y thuộc Đại học Hồng Kông, nhận xét.

Theo các chuyên gia, giờ đây Chính phủ Trung Quốc phải hành động hài hòa trong việc định hình lại nhận thức về mối đe dọa dịch bệnh và dần tránh xa Zero Covid, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giải tỏa căng thẳng từ các xung đột trong nước.

Trên thực tế, Chính phủ Trung Quốc đã có một số điều chỉnh trong chính sách chống dịch vào tháng 11, khi thông báo rằng công tác xét nghiệm sẽ được tiến hành có trọng tâm hơn và giảm sự bất tiện cho người dân.

Thị trường tài chính đã lập tức tăng điểm sau tin tức này và tiếp tục tăng vào cuối tháng, sau những phát biểu của Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan và động thái nới lỏng hạn chế tại một số thành phố, bất chấp số ca nhiễm tăng lên. Chỉ số NASDAQ Golden Dragon - theo dõi các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ - đã có tháng 11 khởi sắc chưa từng thấy khi tăng tới 42%.

SỰ THAY ĐỔI TRONG NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ ZERO-COVID

Nhận định về thời gian tới, nhà xã hội học Ho-Mung Hung của Đại học Johns Hopkins dự báo Trung Quốc sẽ “mở cửa có chọn lọc” với việc nới lỏng hạn chế tại các địa phương đã dần thoát khỏi Covid-19.

Theo Nikkei Asia, sự thay đổi trong những phát biểu chính thức về chính sách chống dịch ở Trung Quốc dường như nhằm giải tỏa lo lắng cho những người dân như bà Zhang và dọn đường để mở cửa trở lại rộng rãi hơn.

Beijing News, một tờ báo có mối liên hệ với chính quyền thành phố Bắc Kinh, tuần trước đã đăng tải một câu chuyện dài 5.500 từ ghi lại các cuộc phỏng vấn với những người từng nhiễm Covid và khỏi bệnh. Câu chuyện được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Weibo.

Người dân xếp hàng xét nghiệm Covid-19 gần một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh  ngày 15/11/2022 - Ảnh: Reuters
Người dân xếp hàng xét nghiệm Covid-19 gần một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh  ngày 15/11/2022 - Ảnh: Reuters

Câu chuyện này ngược lại với bài đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - hồi đầu tháng 11 nói rằng “Covid kéo dài” đang là vấn đề nghiêm trọng tại các quốc gia như Mỹ và Hàn Quốc.

Ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại công ty nghiên cứu độc lập Capital Economics, mới đây chia sẻ rằng ông đang nhận thấy sự thay đổi trong những câu chuyện về Zero-Covid ở Trung Quốc.

Theo nhà phân tích Taylor Loeb của công ty tư vấn Trivium China ở Bắc Kinh, câu chuyện về những trường hợp khỏi bệnh là một phần trong nỗ lực “điều chỉnh lại công tác tuyên truyền về mức độ nghiêm trọng của Covid” của nhà chức trách.

Tuy nhiên, các chuyên gia về y tế cộng đồng và các nhà quan sát Trung Quốc nhận định nước này sẽ khó đưa ra những thay đổi lớn trong bối cảnh hiện tại.

“Đã bắt đầu có những thay đổi nhỏ trong công tác chống dịch ở địa phương, nhưng những thay đổi đột ngột khó có mang lại hiệu quả như mong muốn trước nguy cơ lây nhiễm hiện tại", chuyên gia về Trung Quốc Manoj Kewalramani tại viện nghiên cứu Takshashila Institution của Ấn Độ, nhận xét. “Điều Trung Quốc cần làm lúc này là tập trung nhiều hơn vào công tác tiêm chủng”.

Một lý do khiến các nhà chức trách Trung Quốc lo ngại là tỷ lệ tiêm vaccine thấp, đặc biệt là ở nhóm người già dễ bị tổn thương. Dù hơn 90% trong tổng số 1,4 tỷ dân Trung Quốc đã được tiêm 2 mũi vaccine, chỉ khoảng 40% người trên 80 tuổi được tiêm mũi tăng cường. Các nhà dự báo ước tính sẽ có khoảng 1,3-2 triệu người tử vong nếu nước này mở cửa trở lại hoàn toàn.

Chia sẻ trên WeChat, chính quyền tỉnh Triết Giang cho biết tỷ lệ tiêm vaccine thấp ở người già vẫn là một rào cản để tỉnh này nới lỏng hạn chế, đồng thời thúc giục người dân không từ bỏ nỗ lực Zero-Covid.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân Trung Quốc vẫn ủng hộ việc áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Trong cuộc biểu tình tại nhà máy iPhone ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam vào tháng trước, những người biểu tình phản đối việc các đồng nghiệp bị nghi ngờ nhiễm Covid sống cùng ký túc xá với họ, chứ không phản đối các biện pháp hạn chế.

Một phụ nữ có tên Zhang San ở Thẩm Quyến, nơi chung cư bà sống đang bị phong tỏa, gần đây chia sẻ với Nikkei Asia rằng bà thấy các biện pháp hạn chế mang lại lợi ích lớn hơn so với việc mở cửa lại hoàn toàn, bởi bà không được khuyến nghị tiêm vaccine do có vấn đề về hệ miễn dịch.

“Việc mở cửa lại đất nước sẽ là mối nguy hiểm lớn với những người có vấn đề về sức khỏe như chúng tôi”, bà Zhang nói.