Trung Quốc sắp chi 24 tỷ USD giải cứu doanh nghiệp bất động sản

Thay vì hỗ trợ toàn ngành bất động sản, Trung Quốc hiện chủ yếu hỗ trợ các công ty mạnh trên thị trường...

 

giai-cuu-bat-dong-san-1673970458.jpg Các tòa chung cư ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

Theo nguồn tin của Bloomberg, các nhà quản lý tài chính và công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc China Huarong Asset Management Co. dự kiến đưa ra chương trình hỗ trợ tái cấp vốn với tổng giá trị lên tới 160 tỷ Nhân dân tệ (24 tỷ USD) cho các nhà phát triển bất động sản chất lượng cao trong quý 1/2023.

Kế hoạch này được công bố lần đầu tiên vào thứ Sáu tuần trước nhưng không có nhiều thông tin chi tiết. Theo kế hoạch, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BPOC) sẽ chuyển khoản vay trị giá 80 tỷ Nhân dân tệ thông qua China Huarong Asset Management Co. và một số công ty quản lý tài sản khác cho các nhà phát triển bất động sản đủ điều kiện với lãi suất là 1,75%/năm, theo nguồn tin giấu tên của Bloomberg. Những công ty đang gặp khó trong việc trả nợ được khuyến khích phân bổ vốn đối ứng từ nguồn vốn của mình.

Chương trình này bổ sung vào một loạt biện pháp được Chính phủ Trung Quốc ban hành vào tháng 11 năm ngoái nhằm ngăn chặn đà đi xuống của thị trường bất động sản. Các cơ quản quản lý nước này đang tăng cường hỗ trợ tài chính cho các công ty phát triển bất động sản có vai trò quan trọng trên thị trường, đồng thời giảm lãi suất vay thế chấp mua nhà và giảm các yêu cầu thanh toán để thúc đẩy nhu cầu.

Tuy nhiên, các biện pháp “giải cứu” ngành bất động sản này đang bị cản trở bởi làn sóng bùng dịch Covid trên diện rộng sau khi Bắc Kinh đột ngột chấm dứt chính sách phòng dịch Zero Covid. Bên cạnh đó, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chưa phục hồi về mức trước địa dịch. Giá nhà tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 16 liên tiếp trong tháng 12/2022, theo số liệu chính thức công bố ngày 16/1.

Một điểm đáng chú ý trong kế hoạch "giải cứu" thị trường bất động sản của Trung Quốc là thay vì hỗ trợ trên toàn ngành, Chính phủ đang chủ yếu hỗ trợ các công ty mạnh trên thị trường. Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính Trung Quốc (FSDC) đã yêu cầu các cơ quan quản lý ngân hàng và chứng khoán hỗ trợ củng cố bảng cân đối kế toán của các công ty phát triển bất động sản quan trọng và không gặp vấn đề về kiểm toán cũng như chưa từng có vi phạm nghiêm trọng, theo nguồn tin của Bloomberg.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc, nhà băng lớn nhất nước này, ngày 16/1 đồng ý cấp khoản tín dụng với tổng giá trị 240 tỷ Nhân dân tệ cho 16 công ty phát triển bất động sản, trong đó có CIFI Holdings Group. Cùng ngày, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, nhà băng lớn thứ hai, cũng thông báo kế hoạch thành lập một quỹ trị giá 10 tỷ Nhân dân tệ hợp tác cùng công ty phát triển bất động sản China Vanke Co. để tập trung vào các dự án nhà cho thuê.

Về phía các công ty quản lý tài sản, đảm nhận vai trò “cứu tinh” với nguồn tiền từ Chính phủ, các công ty này có thể giảm thiểu rủi ro ở lĩnh vực mà họ có mối liên hệ lớn. Trong những năm bùng nổ bất động sản, các khoản vay "khủng" cho các công ty phát triển bất động sản gặp khó đã khiến nhiều công ty quản lý tài sản đối mặt với khối nợ xấu nên tới 730 tỷ USD, kéo tụt xếp hạng tín nhiệm và khiến trái phiếu của các công ty này lao dốc.

4 công ty quản lý tài sản lớn tại Trung Quốc, gồm Huarong, Cinda, China Great Wall Asset Management Co. và China Orient Asset Management Co., đã cho hầu hết trong số 50 công ty phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc vay tiền trong những năm qua. Chỉ riêng Cinda và Huarong đã cho vay hơn 200 tỷ Nhân dân tệ. Tính tới cuối tháng 6/2022, bất động sản chiếm gần 50% hoạt động mua lại và tái cơ cấu doanh nghiệp của 2 công ty này.