Trường đại học đua chi tiền gắn 'sao'

Hàng loạt trường đại học Việt Nam liên tục được gắn "4 sao" của Tổ chức QS (Anh). "Sao" này có giá trị như thế nào hay chỉ là hình thức đánh bóng tên tuổi?

lanh-dao-truong-dh-cong-nghe-tphcm-don-chung-nhan-4-sao-cua-qs-stars-vao-ngay-20-11-vua-qua-1669261957.jpgLãnh đạo Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đón chứng nhận 4 sao của QS Stars vào ngày 20-11 vừa qua - Ảnh: P.N.

Mới nhất, ngày 20-11-2022, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã đón chứng nhận quốc tế QS Stars 4 sao từ Tổ chức xếp hạng giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh.

Ông Hồ Đắc Lộc - hiệu trưởng nhà trường - cho biết trường đạt chứng nhận 4 sao trong lần đầu tiên tham gia đánh giá. Trong số tám tiêu chuẩn của QS Stars, trường có năm tiêu chuẩn đạt 5 sao gồm chất lượng giảng dạy, việc làm của sinh viên, cơ sở vật chất, phát triển học thuật, phát triển toàn diện.

Toàn đại học chất lượng 4 sao

Theo thống kê, đến nay có 12 trường đại học Việt Nam, đại đa số là trường tư thục, tham gia đánh giá, gắn sao của tổ chức này. Hầu hết các trường đều được gắn 4 sao, riêng Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam được gắn 5 sao - mức sao cao nhất. Năm 2012, Trường ĐH FPT là đơn vị giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam tham gia gắn sao, kết quả đạt 3 sao.

Chứng nhận có giá trị trong ba năm. Đến năm 2015, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tham gia sân chơi gắn sao này và được chứng nhận đạt 3 sao, đến năm 2018 được gắn 4 sao. Năm 2016 có thêm Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được gắn 3 sao, 2019 đạt 4 sao, 2022 tái kiểm định và đạt 4 sao.

Từ năm 2021, việc gắn sao QS bùng phát với hàng loạt trường đại học được gắn 4 sao. Theo đánh giá của QS Stars, trường đại học được đánh giá 4 sao là trường có tính quốc tế cao, thể hiện qua sự xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, là môi trường dạy và học lý tưởng cho giảng viên và sinh viên.

Chỉ trong hai tháng cuối năm 2021, liên tục nhiều trường được gắn 4, 5 sao: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường ĐH Văn Lang. Qua năm 2022 có thêm Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, Trường ĐH Vin, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

Các tiêu chuẩn QS thực hiện đánh giá chất lượng một trường đại học bao gồm: giảng dạy, tỉ lệ có việc làm của sinh viên, quốc tế hóa, phát triển học thuật, chương trình đào tạo thế mạnh, cơ sở vật chất, trách nhiệm xã hội và phát triển toàn diện.

Đáng chú ý trong số này có rất nhiều tiêu chuẩn của các trường xếp hạng 5 sao. Chẳng hạn tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Công nghiệp TP.HCM, 5/8 tiêu chuẩn của trường được đánh giá 5 sao. Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, Văn Lang có 4/8 tiêu chí đạt 5 sao.

chung-nhan-4-sao-cua-truong-dh-nguyen-tat-thanh-nam-2022-day-la-truong-dai-hoc-tai-gan-sao-nhieu-lan-nhat-1669262057.jpg

Chứng nhận 4 sao của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm 2022. Đây là trường đại học tái gắn sao nhiều lần nhất (ba lần) - Ảnh: N.T.

Không khảo sát, đánh giá trực tiếp

Theo thông tin từ các trường, việc đánh giá gắn sao hoàn toàn dựa vào hồ sơ, số liệu do các trường gửi cho tổ chức này, không có sự khảo sát đánh giá trực tiếp.

Quy trình đánh giá gắn sao tương tự như kiểm định. Trường đăng ký tham gia, QS tư vấn giá cả, hai bên ký hợp đồng thực hiện.

Đại diện một trường đại học cho biết tổng chi phí cho một chương trình đánh giá gắn 4 sao khoảng 40.000 USD. Vì sao nhiều trường tham gia gắn sao của QS Stars? Phải chăng đây là phương thức dễ đạt được, là cách để các trường làm thương hiệu, đánh bóng tên tuổi để tuyển sinh?

Là trường mới nhất được gắn sao, ông Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết trường đã tham gia các kiểm định trong nước cấp trường và chương trình đào tạo.

Khi mọi chuyện đã ổn định, trường muốn sử dụng một thang đo mới để tự đánh giá các hoạt động của trường đang ở đâu. Để làm điều này, cần phải có bộ tiêu chuẩn nào đó và trường chọn QS Stars. Hệ thống này có bộ tiêu chuẩn để đánh giá nhiều mặt hoạt động của một trường đại học.

"Trường tham gia để biết điểm mạnh, yếu của trường ở đâu để tự hoàn thiện. Nếu làm điều này vì mục tiêu tuyển sinh, trường phải làm từ lâu rồi chứ không phải chờ đến bây giờ. Trường không chạy theo mục tiêu đó" - ông Quốc Anh nói.

Cũng theo ông Quốc Anh, khi đi tư vấn tuyển sinh, 10 người chỉ có một người hỏi chương trình đào tạo trường này khác trường kia thế nào. Càng không có thí sinh nào hỏi trường xếp hạng bao nhiêu, được xếp hạng mấy sao, công bố bao nhiêu bài báo quốc tế.

Thí sinh quan tâm nhất là môi trường học tập, học phí và cơ hội việc làm sau này. "Có thể giai đoạn trước đây các trường còn lo chuẩn hóa chương trình, thực hiện kiểm định, xây dựng cơ sở vật chất nên không quan tâm đến việc gắn sao.

Khi mọi thứ dần ổn định, các trường sẽ quan tâm hơn đến các bộ chuẩn khác. Đây có thể là lý do nhiều trường tham gia gắn sao trong thời gian gần đây" - ông Quốc Anh nhận định.

Trong khi đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã qua ba chu kỳ gắn sao. Bà Trần Ái Cầm - hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho biết việc gắn sao là hoàn toàn tự nguyện, dựa vào mục tiêu của các trường.

"Lần gắn sao thứ ba, mặc dù cũng đạt 4 sao nhưng nhiều tiêu chí của trường đã được cải thiện, điểm số cao hơn so với lần trước. Bộ chuẩn nào cũng có các tiêu chí khác nhau, mục tiêu khác nhau. Mục tiêu của việc gắn sao đó là đo lường chất lượng dịch vụ giáo dục của một trường đại học.

Trường hướng đến mục tiêu xây dựng chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người học nên tham gia gắn sao để biết mình cần phải cải thiện chỗ nào. Có một chuẩn để trường hướng đến. Hơn nữa, đây cũng là bước đệm để trường tham gia xếp hạng" - bà Cầm nói thêm.

Lý giải thêm về việc nhiều lần gắn sao, bà Cầm cho biết bất kỳ bộ tiêu chuẩn nào cũng có những lợi ích và hiệu quả nhất định. Mỗi lần tái gắn sao, trường phải đầu tư, cải thiện các hạng mục để đạt mức điểm cao hơn.

Nhật chỉ có... 1 trường gắn sao

Theo thống kê từ QS, số lượng trường đại học tham gia gắn sao của Việt Nam xếp thứ 5 Đông Nam Á sau Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Trong khi đại học ở các nước đang phát triển rầm rộ tham gia gắn sao thì ở các nước có nền giáo dục đại học phát triển, số lượng các trường tham gia gắn sao đếm trên đầu ngón tay.

Chẳng hạn Mỹ chỉ có 4 trường, Pháp 3 trường, Nhật 1, Trung Quốc 3, Đức 1, Canada 5... Một số nước có số lượng trường tham gia gắn sao tương đối như Anh 24 trường, Úc 13... Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore không có trường nào tham gia gắn sao.

Vì sao hiếm trường 5 sao?

Trong số 12 trường gắn sao, chỉ có một trường đạt 5 sao, đa số các trường đều chỉ đạt 4 sao. Theo các trường, hầu hết các tiêu chí đều đạt 5 sao, riêng tỉ lệ sinh viên quốc tế không đủ nên chỉ có thể đạt 4 sao. Theo tiêu chí này, số lượng sinh viên quốc tế phải chiếm tối thiểu 5% tổng số sinh viên của trường.

Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết do trường không đào tạo bằng tiếng Anh, sinh viên quốc tế chủ yếu học các ngành về văn hóa Việt Nam nên cũng không đáng kể. Do đó rất khó để đạt tỉ lệ 5% sinh viên quốc tế.

"Tất cả đều phải trả tiền"

Ông Đỗ Văn Dũng cho biết khi còn là hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ông liên tục nhận được các email chào mời tham gia các giải thưởng, xếp hạng, gắn sao. Tất cả đều phải trả tiền.

Ông cho biết có lần tại hội nghị mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á, người của QS được mời đến để giới thiệu về xếp hạng đại học và gắn sao. Dĩ nhiên tham gia, trường phải trả tiền.

truong-dh-van-lang-la-mot-trong-so-nhieu-truong-dai-hoc-duoc-gan-4-sao-cua-qs-stars-nam-2021-1669262003.jpgTrường ĐH Văn Lang là một trong số nhiều trường đại học được gắn 4 sao của QS Stars năm 2021 - Ảnh: T.M.

"Việc gắn sao tôi cho là không có ý nghĩa nên thời điểm đó trường không tham gia. Chất lượng của trường đại học không nằm ở chỗ được gắn bao nhiêu sao, công bố bao nhiêu bài báo quốc tế.

Nó nằm ở chỗ sinh viên ra trường được xã hội công nhận, có việc làm, lương cao. Đây là cách đánh bóng tên tuổi, khẳng định chất lượng tốt nhất. Tôi cho rằng thay vì bỏ tiền gắn sao, các trường dùng tiền này đầu tư cho môi trường học tập của sinh viên sẽ hiệu quả hơn nhiều" - ông Dũng nói thêm.