Tỷ lệ nợ công giảm xuống còn 55,2% GDP

Chiều 23-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Tiếp đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành.

Miễn, giảm nghĩa vụ thuế và một số khoản thu 16.307 tỷ đồng

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 là 1.539.052,8 tỷ đồng; quyết toán là 1.510.579,2 tỷ đồng, giảm 1,9% (28.473,6 tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách trung ương giảm 92.076,6 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương tăng 63.603 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2020, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm nghĩa vụ thuế và một số khoản thu ngân sách với tổng số là 16.307 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã thực hiện gia hạn thuế cho 187.367 người nộp thuế trong một số lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 với số tiền là 97.259 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2020, theo dự toán là 1.773.766,2 tỷ đồng, song quyết toán là 1.709.523,7 tỷ đồng, bằng 96,4% (giảm 64.242,5 tỷ đồng) so với dự toán.

Với kết quả quyết toán năm 2020 như trên, tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020 đạt 6,918 triệu tỷ đồng, bằng 100,8% kế hoạch; tỷ lệ huy động đạt 25,3% GDP (mục tiêu là 23,5% GDP); cơ cấu thu chuyển biến tích cực, theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt 85,6% tổng thu ngân sách nhà nước (mục tiêu là 84-85%).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Trên cơ sở các nội dung đã báo cáo, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 2.279.735,6 tỷ đồng, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.352.929,8 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2021 là 643.406,1 tỷ đồng.

“Nhờ kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước và cơ cấu lại nợ công, nên tỷ lệ nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020. Trong đó, kỳ hạn nợ được kéo dài, chi phí huy động giảm, củng cố an toàn, an ninh tài chính quốc gia, giúp tạo dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó kịp thời với dịch bệnh”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020.

Xử lý nghiêm các sai phạm về tài chính

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2020 là năm cuối của kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, thiên tai, bão lũ xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, tác động lớn đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước.

Về dự toán thu ngân sách nhà nước, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với khả năng nguồn thu, các địa phương lập dự toán chỉ bằng 72% so với ước thực hiện năm 2019, mặc dù trung ương đã giao dự toán cao hơn số địa phương lập 18,3%, song thực hiện thu sử dụng đất năm 2020 vẫn vượt dự toán 80,4%, việc thu vượt dự toán lớn đã diễn ra nhiều năm. Cùng với đó, việc lập, gửi Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 của Bộ Tài chính, của Chính phủ còn chậm so với quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 70 Luật Ngân sách Nhà nước.

Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trong đó, xử lý tài chính tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước 25.396,3 tỷ đồng; xử lý khác 41.567,4 tỷ đồng; rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2021.

Quang cảnh phiên họp.

Lập dự toán thu tiền sử dụng đất không sát

Trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, bên cạnh các kết quả đạt được, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước còn nêu nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác lập, chấp hành dự toán, thẩm định quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 tại một số bộ, ngành, địa phương.

“Vì thế, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý cụ thể đối với tổ chức, cá nhân nhiều năm vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách Nhà nước; thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội”, bà Nguyễn Thị Phú Hà nêu.

Trong bối cảnh tình hình hết sức khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh, kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt xấp xỉ dự toán (bằng 98,1%) thể hiện rõ sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Thu ngân sách trung ương không đạt dự toán, chỉ chiếm gần 52,1% tổng thu ngân sách nhà nước; huy động từ thuế, phí chỉ đạt 19,1% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 21% GDP; công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất của các địa phương nhiều năm không sát khả năng thu, thấp hơn nhiều so với thực hiện năm trước.

“Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế nêu trên, đặc biệt đối với công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất hằng năm không sát, dẫn đến vượt thu lớn nên xây dựng, cân đối không đầy đủ các khoản vượt thu này, dẫn đến bị động trong quản lý, điều hành kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, không phát huy được hết hiệu quả đầu tư từ nguồn thu này”, bà Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, năm 2020, các bộ, ngành, địa phương thực hiện 70,8% số kiến nghị liên quan đến tài chính năm 2019, cao hơn so với năm trước đó (đạt 68,3%), song mới chỉ xử lý thêm được 12,5% số kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến xử lý tài chính đối với niên độ ngân sách Nhà nước năm 2018 trở về trước chưa thực hiện; vẫn còn 70/103 kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đang triển khai thực hiện.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, trong đó làm rõ các kiến nghị không có khả năng thực hiện do các đơn vị được kiểm toán không còn hoạt động hoặc dừng hoạt động… Đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét, có ý kiến phản hồi chính thức đối với các kiến nghị chưa thống nhất, đang trong quá trình giải trình để xử lý dứt điểm”, bà Nguyễn Thị Phú Hà cho biết.