Văn Phú - Invest của ông Tô Như Toàn: Mua chui cổ phiếu, nợ khủng và mối nguy dòng tiền âm nghìn tỷ đồng

Không chỉ mua chui hàng triệu cổ phiếu, còn những vấn đề mà nhà đầu tư cần quan tâm đến nội tại của Văn Phú - Invest là nguồn vốn hoạt động chủ yếu là nợ vay, dòng tiền kinh doanh âm cả nghìn tỷ đồng.

Hành vi mua chui hàng triệu cổ phiếu bị phát giác

Như chúng tôi đã thông tin, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 651/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (địa chỉ: Số 104 Thái Thịnh, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội).

Theo đó, Văn Phú - Invest bị phạt tiền 200 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính là không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật.

Cụ thể, ngày 25/6/2021, Văn Phú - Invest mua 3.719.923 cổ phiếu Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội (mã CK: HAF) dẫn đến số lượng nắm giữ sau khi giao dịch là 3.719.923 cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 25,65% vốn điều lệ của HAF nhưng không đăng ký chào mua công khai.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Văn Phú - Invest là buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

van-phu-invest-1665040165.jpgThương hiệu Văn Phú - Invest được quảng cáo là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam

Đồng thời, Văn Phú - Invest cũng buộc phải bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Theo tìm hiểu, Văn Phú - Invest tiền thân là Chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh, được hình thành và phát triển từ năm 2003. Năm 2017, Văn Phú Invest chính thức đưa cổ phiếu VPI niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Năm 2018, chính thức niêm yết sang Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), cũng chính thời điểm này thì giới đầu tư mới biết nhiều đến Văn Phú Invest.

Hiện Chủ tịch Hội đồng quản trị của Văn Phú - Invest là ông Tô Như Toàn, trong khi đó, Tổng Giám đốc là ông Triệu Hữu Đại. Ở thời điểm hiện tại, Văn Phú - Invest được biết đến là một nhà phát triển bất động sản tầm cỡ tại Việt Nam, tuy nhiên, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là nợ vay, dòng tiền kinh doanh âm cả nghìn tỷ đồng; Lợi nhuận bọt bèo không tương xứng với danh "ông lớn" bất động sản.

Nợ khủng và bí mật phía sau mức lãi tăng đột biến của "đại gia" bất động sản

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2022 đã được kiểm toán, nửa đầu năm nay, Văn Phú - Invest ghi nhận doanh thu thuần 1.082 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù vậy, các chi phí của doanh nghiệp cũng tăng mạnh, trong đó chi phí lãi vay là 65,3 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng gấp đôi lên 54,6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên 74,4 tỷ đồng.

ong-to-nhu-toan-chu-tich-hoi-dong-quan-tri-cua-van-phu-invest-1665040210.jpgÔng Tô Như Toàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Văn Phú - Invest

Trong kỳ, Văn Phú - Invest ghi nhận khoản lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng đột biến từ 41,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên mức 324,5 tỷ đồng 6 tháng năm 2022. Kết quả, công ty đạt 276 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm nay, cao gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng đột biến, ban lãnh đạo Văn Phú - Invest cho biết, do trong nửa đầu năm 2022, doanh thu bán hàng trên báo cáo tài chính hợp nhất bắt đầu ghi nhận một số sản phẩm thuộc dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu biệt thư Hùng Sơn (Sầm Sơn, Thanh Hóa) của Công ty TNHH Đầu tư MTV Hùng Sơn (công ty con).

Đáng chú ý, mặc dù lợi nhuận tăng vọt song dòng tiền của Văn Phú - Invest lại âm cả nghìn tỷ đồng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền kinh doanh của công ty âm 1.007 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 215 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền đầu tư của Văn Phú - Invest cũng âm 1.307 tỷ đồng.

Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Trong đó, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền.

Trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp, dòng tiền kinh doanh biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm hoặc dương không đáng kể có thể cho thấy tình hình tài chính có vấn đề, chẳng hạn, bán hàng không thu được tiền, hay bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ảo.

Cũng theo các chuyên gia, trong các báo cáo tài chính mà các công ty công bố thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là báo cáo quan trọng nhất. Nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.

Mặt khác, tại thời điểm cuối tháng 6/2022, nợ phải trả của Văn Phú - Invest tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, ở mức 7.254 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ ở mức 3.560 tỷ đồng, tức còn chưa bằng nửa tổng nợ phải trả.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc nợ phải trả cao gấp đôi vốn chủ sở hữu có nghĩa là tài sản của Văn Phú - Invest được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ càng lớn.

Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát. Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất.