Giá vàng giao tháng 2/2022 cũng tăng lên trên 1.821 USD/ounce. Sở dĩ vàng tăng do lo ngại về giá dầu gia tăng kéo theo lạm phát lên cao nữa trong thời gian tới đã hỗ trợ cho vàng tăng giá.
Mặc dù khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tăng lãi suất ngoại tệ để kìm hãm lạm phát trong tháng 3/2022 và thêm các đợt tăng sau đó, với mức tăng khoảng 0,5% trong năm nay. Tuy nhiên, lộ trình tăng lãi suất của Fed đã được thị trường vàng ghi nhận.
Vì thế, giới phân tích tài chính và lĩnh vực vàng cho rằng, việc tăng lãi suất của Fed không còn tác động mạnh lên thị trường vàng mà còn áp lực lớn nhất đối với mặt hàng kim quý vàng hiện nay vẫn là lạm phát cao và tình hình địa chính trị trên thế giới.
Trong khi đó, hiện chỉ số CPI của Mỹ đang ở mức 7% dựa trên báo cáo tháng trước, mức cao kỷ lục trong 40 năm. Theo các nhà phân tích tài chính, dự kiến CPI của Mỹ sẽ tăng lên mức 7,3% so với năm ngoái.
Nếu các dự báo là chính xác và áp lực lạm phát so với CPI ở mức 7,3%, điều đó sẽ chỉ củng cố quyết tâm của Fed về việc tăng lãi suất trong tháng 3/2022 và thêm các lần tăng tiếp theo.
Dự báo đó rất gần với công cụ theo dõi Fed của CME dự đoán có 25% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% vào tháng 3/2022. Thêm vào đó, căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn.
Trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine điều này sẽ hỗ trợ cho vàng tăng giá. Nếu tình hình ngày càng căng thẳng thì mặt hàng kim quý vàng sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.
Thậm chí, mặt hàng vàng còn có thể tăng 50 USD/ounce trong một ngày, nên không loại trừ vàng có thể tái lập ngưỡng 2.000 USD/ounce hoặc cao hơn.
Vàng cũng được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng đô la Mỹ. Chỉ số USD đã giảm mạnh từ mức cao nhất kể từ cuối tháng 1 so với các đồng tiền đối thủ, giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác xuống 95,40 điểm.
Tuy nhiên đà tăng của giá vàng bị kìm hãm khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ dao động gần mức cao nhất kể từ tháng 12/2019, sau khi báo cáo việc làm lạc quan của Mỹ được công bố vào thứ Sáu tuần trước (4/2).
Ngày 7/2, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) đã phục hồi sau nhiều tổn thất do Covid-19 gây ra từ năm 2020 và đạt 4.021 tấn trong cả năm 2021.
Tại Việt Nam, nhu cầu về trang sức ghi nhận đạt 12 tấn trong năm 2021, cao hơn 11% so với con số 11 tấn trong năm 2020. Nhu cầu cả năm 2021 về vàng miếng và tiền xu ở Việt Nam đạt 31 tấn, tăng nhẹ so với 29 tấn được mua trong năm 2020.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay giá vàng miếng SJC trên thị trường không ngừng gia tăng tốc độ tăng và liên tục phá các mức kỷ lục. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC giữ giá vàng miếng SJC không đổi, mua vào 62,8 triệu đồng/lượng và bán ra 63,45 triệu đồng/lượng.
Doanh nghiệp Phú Quý tăng 430.000 đồng/lượng mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng (bán ra). Tuy nhiên, quy đổi giá vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới từ 13,45 - 14,4 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, do nhu cầu vàng tăng trước ngày Thần Tài nên các cửa hàng kinh doanh vàng và thậm chí ngay cả nhiều ngân hàng kinh doanh vàng cũng liên tục tăng giá bán.
Thậm chí, SCB còn niêm yết giá bán vàng miếng SJC đến 64,4 triệu đồng/lượng sáng ngày 8/2 và niêm yết giá mua vào ở mức 63,2 triệu đồng/lượng.
Ngày 8/2, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.090 đồng/USD, tăng 9 đồng so với hôm qua. Ngân hàng Vietcombank cũng tăng 20 đồng, đưa giá mua USD lên 22.500 đồng/USD và bán ra 22.810 đồng/USD.