Vay nợ tại CenLand tăng gấp số lần, lộ diện chủ nợ lớn của CEO Group
Vào cuối tháng 6/2021, tổng nợ phải trả tại CenLand (CRE) tăng 66% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2.930 tỷ đồng, chiếm tới 56% tổng tài sản, gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu (gần 2.279 tỷ đồng). Đáng chú ý, tổng vay nợ tại CenLand bất ngờ tăng gấp 2,6 lần so với đầu năm, lên mức 2.137 tỷ đồng, chiếm 73% nợ phải trả.
Trong đó, vay nợ ngắn hạn tăng gấp 3,2 lần so với đầu năm, lên gần 1.187 tỷ đồng và vay nợ dài hạn tăng 111% lên 950 tỷ đồng. Do tăng cường vay nợ khiến chi phí lãi vay tại CenLand 6 tháng đầu năm tăng gấp 17,8 lần cùng kỳ, lên hơn 49,6 tỷ đồng.
Cụ thể, ngân hàng BIDV là chủ nợ lớn nhất tại CenLand với hơn 873 tỷ đồng cho vay nợ ngắn hạn dùng để bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh phục vụ cho hoạt động môi giới bất động sản, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp...
Ngoài ra, CenLand còn vay tại Vietinbank hơn 35 tỷ đồng; vay CTCP bất động sản Thế Kỷ hơn 248 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại các ngân hàng như: 3 căn shop House dự án The K Park; 2 sàn dịch vụ tại ô C11 - ODK4, chung cư @Homes thuộc dự án Khu nhà ở xã hội tại Hoàng Mai, Hà Nội; 5 sàn giao dịch tại khu chung cư C17 - dự án tổ hợp chung cư cao tầng - NCG Restidential, khu đô thị Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội; 28 căn biệt thự, liền kề tại khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ - Louis City Hoàng Mai; các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất...
Phối cảnh dự án KĐT mới Hoàng Văn Thụ (còn gọi là Louis City Hoàng Mai). Ảnh Internet/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Đáng chú ý, vay nợ dài hạn tại CenLand tăng mạnh chủ yếu do phát hành trái phiếu riêng lẻ cho CTCP chứng khoán VNDIRECT, với mục đích tăng quy mô vốn hoạt động, đầu tư thứ cấp các dự án bất động sản, cho vay để góp vốn vào các dự án bất động sản. Tổng giá trị phát hành là 450 tỷ đồng với thời hạn trái phiếu 3 năm kể từ ngày phát hành. Lãi suất năm đầu cố định 10,5% các năm sau thả nổi được điều chỉnh 12 tháng/lần.
Ngoài ra, CenLand tiếp tục phát phát hành trái phiêu riêng lẻ cho CTCP chứng khoán VNDIRECT với tổng giá trị 500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 11%/năm.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại CenLand/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Với CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, Mã: CEO), tại thời điểm 30/6/2021, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 3.791 tỷ đồng, chiếm 54% tổng tài sản. Trong đó, vay nợ tài chính tại CEO Group chiếm 51% nợ phải trả, ghi nhận hơn 1.954 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
Riêng ngân hàng BIDV hiện đang cho CEO Group vay ngắn hạn và dài hạn gần 1.163 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có Vietinbank với hơn 420 tỷ đồng. Vay nợ trái phiếu tại CEO Group cũng ghi nhận hơn 218 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại CEO Group/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Tăng cường vay nợ, ngân hàng OCB là chủ nợ lớn nhất tại Nhà Khang Điền và Nam Long
Tính đến 30/6/2021, Công ty Nhà Khang Điền (KDH) vay thêm 745 tỷ đồng khiến tổng vay nợ tài chính tăng 40% so với đầu năm, lên gần 2.590 tỷ đồng, chiếm 48% nợ phải trả. Trong đó, vay nợ ngắn hạn tăng 42% lên 1.119 tỷ đồng và vay nợ dài hạn tăng 39% lên gần 1.471 tỷ đồng.
Khang Điền có 582 tỷ đồng là vay nợ trái phiếu và 2.008 tỷ đồng là vay ngân hàng. Đáng chú ý, các khoản vay nợ dài hạn tại Khang Điền đã đến hạn trả bao gồm cả trái phiếu dài hạn.
Cụ thể, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là đơn vị cho Nhà Khang Điền vay nhiều nhất, gồm 5 khoản vay dài hạn với tổng trị giá gần 1.231 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay 650 tỷ đồng được dùng để tài trợ phát triển dự án Lê Minh Xuân mở rộng và Ấp 2 Tân Tạo với hình thức đám bảo là quyền tài sản tại chính dự án này; khoản vay 350 tỷ cũng để tài trợ dự án tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, Hồ Chí Minh với hình thức đảm bảo là quyền tài sản tại chính dự án.
Ngoài ra, khoản vay hơn 23,7 tỷ đồng và 7 tỷ đồng dùng để tài trợ dự án Verosa với hình thức đảm bảo là một số biệt thự thuộc dự án Verosa.
Hình ảnh thực tế dự án Verosa Park/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Bên cạnh đó, Nhà Khang Điền cũng đang vay dài hạn ngân hàng Vietnbank gần 734 tỷ đồng để tài trợ phát triển dự án Lovera Vista và dự án tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM.
Tất cả các khoản vay ngân hàng, trái phiếu đều có lãi suất từ 10 -12%/năm, riêng có một khoản vay ngắn hạn hơn 43 tỷ tại ngân hàng Vietcombank với lãi suất 8%/năm.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại Nhà Khang Điền/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021, nợ phải trả của CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) tính đến hết tháng 6/2021 gần 10.460 tỷ đồng, tăng mạnh 51% so với đầu kỳ, chiếm 52% tổng tài sản. Riêng vay nợ Nam Long tăng 14%, lên hơn 2.795 tỷ đồng.
Trong đó, Nam Long vay ngân hàng hơn 1.657 tỷ đồng. Hiện chủ nợ lớn nhất tại Nam Long là ngân hàng OCB với gần 964.728 tỷ đồng vay ngắn hạn với mục đích vay hỗ trợ nhu cầu vốn lưu động; và hơn 352 tỷ đồng vay dài hạn dùng để tài trợ đầu tư phát triển dự án Izumii và dự án Cần Thơ.
Phối cảnh dự án Izumii City Nam Long/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Ngoài OCB, Nam Long còn đang vay dài hạn hơn 200 tỷ đồng với lãi suất 10,2%/năm và vay ngắn hạn hơn 50,4 tỷ đồng tại ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (Việt Nam)...
Tài sản đảm bảo cho các khoản vay hầu hết từ quyền sử dụng đất, quyền tài sản của Tập đoàn.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại Nam Long/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Đáng chú ý, ngoài vay ngân hàng, vay nợ trái phiếu tại Nam Long tính đến 30/6/2021 ghi nhận hơn 1.138 tỷ đồng, tăng so với đầu năm. Mục đích phát hành trái phiếu để tài trợ và đầu tư các dự án của doanh nghiệp. Lãi suất trái phiếu là 6,5%/năm và 10,5%/năm.
Đẩy mạnh vay nợ khiến chi phí lãi vay tại Nam Long 6 tháng đầu năm tăng gấp 4,4 lần, lên hơn 40,6 tỷ đồng.
Nhiều rủi ro từ huy động vốn bằng trái phiếu
Không chỉ tăng vay nợ ở các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp bất động sản như Nam Long, Khang Điền, CenLand... còn tăng cường phát hành trái phiếu để xoay dòng tiền.
Bộ Tài chính từng đưa ra quy định mới sau khi thị trường trái phiếu có dấu hiệu tăng nóng mất kiểm soát. Bộ Tài chính đã nhiều lần khuyến cáo nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, bởi lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu, về tình hình tài chính của doanh nghiệp để đánh giá được các rủi ro gặp phải, nhà đầu tư mới nên gom trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếuvới lãi suất quá cao sẽ khiến cho áp lực trả lãi và gánh nặng tài chính gia tăng, gây bất ổn đến tính bền vững và sự ổn định của nền kinh tế.