Vén màn tài chính của VPG trước bối cảnh dòng tiền âm và lợi nhuận sụt giảm

Lợi nhuận sau thuế quý I/2022 của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát (mã cổ phiếu VPG, sàn HOSE) có phần sụt giảm có thể chưa phải vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, sự sụt giảm lợi nhuận còn đi kèm với diễn biến dòng tiền kinh doanh âm, đồng thời công ty cũng tiếp tục còn có kế hoạch vay thêm trái phiếu trong năm 2022 trong bối cảnh quy mô nợ cũng đang có xu hướng tăng.

Lợi nhuận quý I của VPG giảm mạnh

Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2022 của Việt Phát, công ty đạt doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 967 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 980 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Doanh thu quý I/2022 tuy sụt giảm không nhiều, nhưng giá vốn hàng bán trong giai đoạn này lại tăng mạnh, ghi nhận giá trị lên tới 875 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ là 763 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Việt Phát bị sụt giảm mạnh trong quý I/2022, chỉ đạt gần 92 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 218 tỷ đồng.

Vén màn tài chính của VPG trước bối cảnh dòng tiền âm và lợi nhuận sụt giảm
Vén màn tài chính của VPG trước bối cảnh dòng tiền âm và lợi nhuận sụt giảm. Ảnh: T.L


Công ty cho biết, lợi nhuận quý I/2022 giảm chủ yếu do trong quý I/2021, công ty thực hiện hợp đồng than cốc nhập vào thấp, giá bán ra cao, trong khi quý I/2022 không có lợi thế này. Cụ thể, doanh thu than cốc trong quý I/2022 giảm 18,84% so với quý I/2021, lợi nhuận gộp từ than cốc trong quý I/2022 cũng giảm tới 82,15%.Diễn biến trên khiến cho lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý I/2022 của Việt Phát chỉ đạt hơn 52 tỷ đồng so với kết quả 138 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế quý I/2021. Điều đáng chú ý là lợi nhuận của Việt Phát giảm trong bối cảnh vốn điều lệ của công ty cũng đã tăng mạnh so với trước đây. Vốn điều lệ tại thời điểm cuối tháng 3/2022 đã là 729 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2021 chỉ là 431 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu quý I/2022 theo đó ghi nhận 791 đồng/cổ phiếu, cũng giảm mạnh so với 3.533 tỷ đồng của quý I/2021.

Thực chất sự sụt giảm kinh doanh của Việt Phát trong năm 2022 cũng đã được doanh nghiệp này lường trước khi đưa ra kế hoạch lợi nhuận 2022 khá khiêm tốn so với kết quả thực hiện năm 2021. Cụ thể, mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 được Việt Phát đặt ra là 8.621 tỷ đồng, có tăng so với thực hiện năm 2021. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2022 chỉ đặt chỉ tiêu là 280 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với kết quả 421 tỷ đồng trong năm 2021.

Vén bức tranh tài chính

Việc sụt giảm lợi nhuận trong quý I/2022 của Việt Phát tuy là một diễn biến không được khả quan bằng những gì doanh nghiệp này thu hoạch được trước đó 1 năm, nhưng nhìn trong bối cảnh tăng trưởng của năm 2021 với một số yếu tố thời vụ thì có thể thấy, kết quả lợi nhuận năm 2022 cũng không quá tồi. Bỏ qua kết quả lợi nhuận tăng đột biến trong năm 2021, lợi nhuận năm trước đó nữa là năm 2020 chỉ là hơn 88 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số lợi nhuận cũng chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh tài chính chung của VPG. Ngoài sự sụt giảm lợi nhuận, thì diễn biến dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp cũng đang có tình trạng thâm hụt. Lưu chuyển tiền thuần trong hoạt động kinh doanh quý I/2022 của Việt Phát âm khá nặng với gần 499 tỷ đồng. Đây là diễn biến trái ngược so với diễn biến dòng tiền kinh doanh năm 2021 của doanh nghiệp này với lưu chuyển tiền thuần trong hoạt động kinh doanh quý I/2021 dương 162 tỷ đồng và cả năm 2021 cũng dương 276 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh quý I/2022 của Việt Phát âm chủ yếu công ty bị đọng vốn nhiều trong các khoản phải thu và trong hàng tồn kho.

Tại bảng cân đối kế toán quý I/2022, các khoản phải thu ngắn hạn của VPG đã tăng từ 640 tỷ đồng thời điểm đầu năm, lên 884 tỷ đồng vào cuối quý I. Trong đó, lý do tăng chủ yếu do phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng mạnh trong giai đoạn này, từ 433 tỷ đồng đầu năm, lên 606 tỷ đồng vào cuối tháng 3. Ngoài ra, phần tiền công ty phải ứng ra trả trước cho người bán cũng tăng từ 82 tỷ đồng lên 242 tỷ đồng trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, cuối quý I/2022, số liệu tài chính của công ty xuất hiện 600 tỷ đồng các khoản phải thu dài hạn, trong khi thời điểm đầu năm không có khoản này.

Diễn biến tăng mạnh hàng tồn kho cũng là yếu tố khiến dòng tiền kinh doanh của Việt Phát âm trong quý I. Theo đó, hàng tồn kho đã tăng từ 728 tỷ đồng thời điểm đầu năm, lên 957 tỷ đồng vào giữa năm. Hàng tồn kho tăng chủ yếu đọng dưới dạng thành phẩm với giá trị hàng tồn kho là thành phẩm tăng từ 84 tỷ đồng đầu năm lên 262 tỷ đồng vào cuối tháng 3, ghi nhận tốc độ tăng tới 212%.

Một trong những diễn biến đáng chú ý nữa trong bức tranh tài chính Việt Phát là nợ phải trả cũng đang có xu hướng tăng trong quý I/2022, với giá trị nợ phải trả đã tăng từ 1.470 tỷ đồng đầu năm lên 2.020 tỷ đồng. Diễn biến này mặc dù diễn ra trong bối cảnh công ty cũng đã tăng vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu, nhờ đó vẫn giữ được cân đối trong cán cán cân nợ so với vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, công ty còn đang có kế hoạch sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu trong năm và việc này có thể sẽ làm tăng quy mô nợ của công ty.

Dự kiến sẽ phát hành trái phiếu trong năm 2022

Đại hội đồng cổ đông Việt Phát đã thông qua chủ trương phát hành trái phiếu năm 2022 để huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư của công ty.

Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định tổng số lượng trái phiếu chào bán, giá chào bán trái phiếu, thuê tổ chức bảo lãnh phát hành, thuê tổ chức tư vấn phát hành, lập kế hoạch sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán trái phiếu và các công việc liên quan khác nhằm đảm bảo việc phát hành trái phiếu thành công.