Vi phạm về đất đai: Phát hiện chậm, xử lý chưa nghiêm

Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 11/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về việc tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này được tăng cường. Tuy nhiên, kết quả xử lý vi phạm về đất đai còn hạn chế, thậm chí có nhiều vi phạm mới phát sinh song chính quyền sở tại chậm phát hiện, ngăn chặn, xử lý còn chưa nghiêm.

Chây ì khắc phục

Thời gian qua, mặc dù nắm rõ quy định của pháp luật về đất đai song nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng việc thiếu sát sao trong quản lý của chính quyền địa phương đã ngang nhiên xâm lấn đất nông nghiệp, tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Gần đây, Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng (BT&XD) Quốc An, xã Tăng Tiến (Việt Yên) đã tùy tiện lấn chiếm đất nông nghiệp, xây tường bao xung quanh để tập kết nguyên vật liệu phục vụ trạm bê tông ở thôn Danh Thượng 2, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa).

Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Quốc An vi phạm về đất đai trên địa bàn huyện Hiệp Hòa.

Đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Hiệp Hòa cho biết, sau khi nắm bắt sự việc, ngày 18/8 vừa qua, huyện xử phạt hành chính 14 triệu đồng đối với Công ty này do tự ý lấn đất nông nghiệp, dịch chuyển ranh giới đất để mở rộng diện tích đất sử dụng, quy mô 986,9 m2. Đồng thời yêu cầu Công ty tự giác tháo dỡ tường xây bao, trả lại hiện trạng ban đầu của thửa đất trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Công ty không chấp hành sẽ bị cưỡng chế. Tuy nhiên, quá hạn, “mục sở thị” tại khu vực này vào ngày 1/9, chúng tôi thấy Công ty mới hạ thấp độ cao tường bao, chưa tháo dỡ phần móng.

Tình trạng vi phạm đất đai còn xảy ra tại xã Cao Xá (Tân Yên). Năm 2020, hộ ông Nguyễn Văn Chung, thôn Xuân Tân 1, xã Cao Xá tự ý xây nhà xưởng trái phép quy mô lớn trên đất lúa giáp ranh với đường giao thông nông thôn để tập kết nông sản như ớt, lạc… Ông Chung đã sử dụng trái phép 2.184 m2 đất trồng lúa vào mục đích phi nông nghiệp. Tháng 7 năm ngoái, huyện xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Chung và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Thế nhưng đến ngày 4/9 năm nay, nhà xưởng vẫn chưa được tháo dỡ theo yêu cầu.

Tình trạng xâm lấn, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất còn xảy ra tại hầu hết các huyện, TP trong tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 19, đến thời điểm này toàn tỉnh kiểm tra, phát hiện 73.169 trường hợp vi phạm về đất đai, tổng diện tích hơn 14,3 nghìn ha. Lỗi vi phạm chính như: Tự ý chuyển đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, cây lâm nghiệp, đào ao, hồ nuôi trồng thủy sản; chuyển đất cây hàng năm sang đào ao, hồ… Trong số này có nhiều vi phạm phát sinh sau thời điểm ban hành Chỉ thị số 19 chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm.

Sẽ xem xét khởi tố trường hợp vi phạm nghiêm trọng

Trong số những trường hợp vi phạm trên, các địa phương lập biên bản xử lý 2.199 tổ chức, cá nhân, trong đó xử phạt 1.346 trường hợp với số tiền gần 4,4 tỷ đồng, chủ yếu ở các huyện: Việt Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang. Nhiều địa phương xử phạt nhưng chưa nhiều như: Tân Yên, Sơn Động, Lục Nam…

Thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến thời điểm này, toàn tỉnh kiểm tra, phát hiện 73.169 trường hợp vi phạm về đất đai, tổng diện tích hơn 14,3 nghìn ha.

Đáng lo ngại, trong tỉnh có tổ chức, cá nhân vi phạm mới nhưng chưa được các địa phương xử lý dứt điểm. Hộ ông Nguyễn Văn Chung, xã Cao Xá (Tân Yên) là ví dụ. Theo ông Đỗ Văn Thá, Trưởng Phòng TN&MT huyện Tân Yên, sau khi xử phạt ông Chung, huyện đã giao UBND xã Cao Xá đôn đốc khắc phục vi phạm. Trao đổi với đại diện lãnh đạo xã Cao Xá vào ngày 4/9 được biết, tổ công tác của xã đã đến tận nhà tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng ông Chung chưa tháo dỡ công trình vi phạm. Nhiều ý kiến cho rằng việc ông Chung chây ì là do cơ quan chuyên môn của huyện và xã buông lỏng quản lý, không làm tốt khâu hậu kiểm, gây nhờn luật.

Còn tại xã Danh Thắng (Hiệp Hòa), ông Vũ Đình Hảo, Chủ tịch UBND xã nêu, địa phương chậm phát hiện sai phạm của Công ty cổ phần BT&XD Quốc An là do diện tích xây dựng của Công ty rộng, bằng mắt thường khó biết trong khi thẩm quyền kiểm tra thuộc cơ quan chuyên môn của huyện. Nói như vậy là chưa thỏa đáng bởi theo quy định, mỗi tuần bí thư, chủ tịch UBND cấp xã phải đi kiểm tra đất đai ít nhất một lần để kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm.

Bên cạnh nguyên nhân trên, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến tổ chức thực hiện Chỉ thị số 19, chưa phát huy vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về đất đai. Sở TN&MT chưa thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị.

Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 8/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận 120-KL/TU về việc tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19. Theo đó, cấp ủy, chính quyền quán triệt, thống nhất quan điểm công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm về đất đai là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm duy trì kỷ cương pháp luật. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thực hiện Chỉ thị.

Mọi trường hợp vi phạm về đất đai sau ngày Chỉ thị ban hành được coi là hành vi cố tình vi phạm, phải xử lý nghiêm; xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương. Mục tiêu năm nay toàn tỉnh xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm sau thời điểm ban hành Chỉ thị; năm 2022 cơ bản xử lý xong các vi phạm đã thống kê. Công an tỉnh thiết lập hồ sơ khởi tố một số vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai có tính chất hệ thống, dấu hiệu tội phạm để tạo sức răn đe.

UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị số 19. Ông Đào Duy Trọng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, Sở đang xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương phân loại, xử lý vi phạm về đất đai. Trong đó tập trung xử lý dứt điểm theo thứ tự ưu tiên đó là vi phạm phát sinh sau ngày Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 19, sau ngày 1/7/2014, tự ý chuyển mục đích nội bộ trong nhóm đất nông nghiệp..., hoàn thành trước ngày 31/10 năm nay.

Riêng đối với vi phạm của Công ty cổ phần BT&XD Quốc An, ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, địa phương sẽ tập trung chỉ đạo, yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ công trình vi phạm trong tháng 9/2021.