Vì sao châu Á không có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ như Mỹ?

Trong khi lạm phát đang ở mức cao nhất tại Mỹ, Anh và khu vực đồng Euro, thì điều này lại đặt ra ít thách thức hơn với châu Á, khiến một số nước có xu hướng đi ngược với chính sách thắt chặt tiền tệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ đã và đang đạt được sức hút kể từ đầu năm 2022, chủ yếu do ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển dẫn đầu. Đặc biệt là khi ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra một thông điệp “diều hâu” trong cuộc họp báo sau cuộc họp tháng Giêng của Fed. Do đó, thị trường hiện đang kỳ vọng Fed sẽ đưa ra sáu lần tăng lãi suất trong năm nay, so với chỉ ba lần tăng lãi suất dự kiến vào tháng 12 vừa qua.

Sau đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng có động thái nối gót Fed vào hồi tháng 2. Mặc dù không đưa ra bất kỳ hành động chính sách nào ngay lập tức tại cuộc họp tháng 2, nhưng Chủ tịch ECB Christine Lagarde không còn gọi việc tăng lãi suất trong năm nay là “rất khó xảy ra” và các quan chức ECB khác cũng gợi ý rằng, một hoặc nhiều lần tăng lãi suất vào cuối năm 2022 là hoàn toàn có thể.

Ngược lại, hầu hết các ngân hàng trung ương ở châu Á lại không tham gia vào sự chuyển dịch này. Cho đến nay, chỉ có hai ngân hàng trung ương lớn trong khu vực là Ngân hàng Hàn Quốc và Cơ quan tiền tệ Singapore là bắt tay vào bình thường hóa chính sách tiền tệ. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) gần đây còn có chính sách cắt giảm lãi suất, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang giữ nguyên chính sách tiền tệ cực kỳ dễ dãi.

Phân tích trên tờ South China Morning Post, Nhà chiến lược Sylvia Sheng tại JP Morgan Asset Management cho rằng, các chu kỳ chính sách khác nhau chủ yếu là do kết quả lạm phát ở châu Á rất khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Theo đó, lạm phát ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và khu vực đồng Euro đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và hiện cao hơn mục tiêu lạm phát của các ngân hàng trung ương.

“Trong khi mức tăng ban đầu của lạm phát ở các nền kinh tế phát triển này vào năm ngoái chủ yếu là do giá hàng hóa bị ép mạnh. Ví dụ như giá ô tô đã qua sử dụng ở Mỹ đã tăng nhanh, làm tăng áp lực lạm phát. Còn lạm phát dường như ít thách thức hơn đối với các ngân hàng trung ương ở châu Á. Trong số các nền kinh tế lớn trong khu vực, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 của Trung Quốc giảm xuống dưới 1%, trong khi lạm phát cơ bản của Nhật Bản ở mức âm trong tháng 1. Áp lực lạm phát nhẹ chủ yếu là kết quả của việc tiêu dùng ít sôi động hơn”, ông phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia, một diễn biến chung ở châu Á là các chính sách của COVID-19 chặt chẽ hơn so với các khu vực khác, đã ảnh hưởng đến tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng dịch vụ. Hơn nữa, kích thích tài khóa ở châu Á nghiêng về hỗ trợ đầu tư, hơn là thúc đẩy tiêu dùng thông qua chuyển thu nhập trực tiếp cho các hộ gia đình như Mỹ đã thực hiện.

“Chúng tôi kỳ vọng PBoC và BoJ sẽ chống lại xu hướng “diều hâu” đối với các ngân hàng trung ương trong năm nay. Trong trường hợp của Trung Quốc, Bắc Kinh đã chuyển sang một chế độ nới lỏng khiêm tốn kể từ tháng 7 năm ngoái và chúng tôi đã thấy một sự thay đổi ôn hòa hơn nữa trong những tháng gần đây. Nhiều khả năng sẽ có nhiều biện pháp nới lỏng hơn, khi nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn do sự yếu kém kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và các đợt bùng phát COVID-19 tại địa phương tái diễn”, ông bày tỏ.

Đối với Nhật Bản, mặc dù giá hàng hóa cao hơn và đồng Yên yếu hơn có thể sẽ đẩy lạm phát mạnh lên trong những tháng tới, nhưng điều này không có khả năng kích hoạt bình thường hóa chính sách tiền tệ của BoJ. BoJ đã không đạt được mục tiêu lạm phát trong nhiều năm. Do đó, chìa khóa cho sự gia tăng bền vững của lạm phát ở Nhật Bản, là kỳ vọng lạm phát dài hạn và những kỳ vọng này khó có thể thay đổi đáng kể trong thời gian tới, sau khi bị mắc kẹt ở mức thấp trong nhiều năm.

Với cuộc bầu cử Thượng viện sắp diễn ra vào mùa hè, chính quyền ông Kishida có thể sẽ theo dõi chặt chẽ dư luận. Trong quá khứ, lạm phát cao hơn đã có xu hướng đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng của đất nước này, đặc biệt khi nó được thúc đẩy bởi giá thực phẩm và năng lượng cao hơn.

“Ở những nơi khác của châu Á, chúng tôi kỳ vọng sẽ dần dần tiến tới thắt chặt chính sách trong suốt cả năm, trong đó gồm các ngân hàng trung ương ở Ấn Độ, Đài Loan và một số nền kinh tế thuộc khu vực Đông Nam Á.

Nhìn chung, với thặng dư tài khoản vãng lai mạnh, lạm phát tương đối ổn định, có vẻ như các chính sách tiền tệ trong khu vực ít nhạy cảm hơn với sự thay đổi “diều hâu” của Fed so với trước đây. Thay vào đó, lạm phát và tăng trưởng trong nước đang đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy chính sách tiền tệ ở châu Á, có nghĩa là các ngân hàng trung ương châu Á có thể không cần thắt chặt nhiều như Fed”, nhà chiến lược Sylvia Sheng nhận định.

Tại Việt Nam, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đánh giá, việc điều hành sách tiền tệ của NHNN phù hợp với xu hướng của nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ có những đặc điểm riêng phù hợp với tình hình trong nước.Trong thời điểm dịch bùng phát, NHNN đã đưa các giải pháp kịp thời,đó là, bảo đảm thanh khoản trên thị trường tiền tệ, tạo điều kiện để các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay, sẵn sàng nguồn vốn hỗ trợ các TCTD đẩy mạnh tín dụng cho doanh nghiệp và nền kinh tế…

"Với đặc thù thị trường tài chính phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng, việc điều hành tín dụng được NHNN điều hành có sự hài hòa, hợp lý. Việc tăng trưởng tín dụng quá cao gây rủi ro lạm phát, song tăng trưởng tín dụng quá thấp lại có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn cho tăng trưởng cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và lạm phát khoảng 4% do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 12% trong năm 2021, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế", Phó Thống đốc cho biết.