Vì sao Công ty Cổ phần Alphanam bị phạt?

Công ty Cổ phần Alphanam vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện được giao dịch.

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Alphanam (địa chỉ tại KCN Phố Nối A, Trưng Trắc, Văn Lâm, Hưng Yên).

Theo đó, Alphanam bị phạt 45 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện được giao dịch. Từ ngày 13/5 – 08/6/2020, Alphanam, tổ chức liên quan đến ông Nguyễn Minh Nhật, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Alphanam E&C (HNX: AME) đăng ký mua 3.391.606 cổ phiếu AME (khớp 0 cổ phiếu). Tuy nhiên đến ngày 30/6/2020, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) mới nhận được báo cáo lý do không thực hiện được giao dịch của Alphanam.

Được biết, từ năm 2017, Alphanam đẩy mạnh đầu tư trở lại vào bất động sản qua việc triển khai hàng loạt dự án lớn trải dài ở nhiều tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Đà Nẵng, Bình Định, An Giang... Doanh nghiệp này đang có hơn 20 dự án với hàng nghìn ha, vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, tập trung ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Nổi bật là các dự án như Luxury Apartment, Diamond Tower, Golden Square tại Đà Nẵng; Alphanam Red Star Apartment, Xuân Phương - Alphanam Village, Alphanam New Park City Trung Hưng - Sơn Tây, Bình Minh-Cao Viên Alphanam Newlife City, Khu đô thị Hanel - Alphanam ở Hà Nội. 

Alphanam cũng đẩy mạnh đầu tư vào các công ty con và công ty liên doanh, được ghi nhận tổng giá trị khoảng 2.094 tỉ đồng như Công ty CP địa ốc Foodinco; Công ty địa ốc Foodinco Quy Nhơn; Công ty Cổ phần Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà; Công ty Đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa; Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á…

alpha-1624669665-1624951476.jpg
Alphanam vừa bị xử phạt vì sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Ảnh: Doanh nghiệp & Hội nhập

 

Cuối năm 2016, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Đông Á (doanh nghiệp đầu tư gián tiếp của Alphanam) đã công bố ra mắt Dự án Khu đô thị Golden City An Giang 48,92ha tại Thành phố Long Xuyên. Năm 2018, Alphanam liên tiếp ra mắt 2 thương hiệu khách sạn tiêu chuẩn quốc tế tại Đà Nẵng là Four Points by Sheraton và Altara Suites.

Đầu năm 2019, dự án khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà do Công ty CP Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà (công ty thành viên của Tập đoàn Alphanam) được tỉnh Yên Bái ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.980 tỉ đồng, quy mô hơn 2.594 ha. Đây là một trong những dự án có vốn đầu tư đăng ký "khủng" ở Yên Bái. Nếu tăng thêm 20 tỷ đồng, thẩm quyền phê duyệt dự án đã thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 4/2019, tại tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam đã xin ý kiến tỉnh này để được khảo sát, đầu tư khách sạn 4 sao mang thương hiệu quốc tế từ 150 - 180 phòng nghỉ dưỡng tại Nhà khách Hương Phong và cũng nhận được cam kết từ tỉnh này.

Năm 2019, dự án Altara Residences Quy Nhơn do Công ty CP Foodinco Quy Nhơn - một công ty thành viên của Tập đoàn Alphanam, làm chủ đầu tư cũng chính thức chào sàn và thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường.

Tại tỉnh Lào Cai, Dự án Khu đô thị sinh thái Mường Hoa, Sa Pa được UBND tỉnh phê duyệt năm 2019. Liên danh Công ty CP đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa và Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á (nằm trong “hệ sinh thái” Alphanam) được chỉ định làm nhà đầu tư dự án, tổng kinh phí thực hiện gần 625,6 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước là 500 triệu đồng.

Liên tiếp đầu tư lớn như đã nêu nhưng tình hình tài chính của Alphanam chưa thực sự khả quan. Năm 2019, doanh thu thuần của Alphanam đạt 1.434 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 103 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận giảm xuống còn 7%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Alphanam đạt 1.427 tỉ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế ở mức 12,6 tỉ đồng. Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của ALP đạt 5.249 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 17% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là các khoản phải thu ngắn hạn với gần 1.400 tỉ đồng, chi phí xây dựng dở dang là 1.803 tỉ đồng. Ngoài ra, Alphanam cũng dành 905 tỉ đồng để đầu tư vào các công ty liên kết, liên doanh và một số đơn vị khác. Kết thúc quý 3/2020, nợ phải trả của Alphanam ở mức 2.846 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 2.403 tỉ đồng.

Bên cạnh việc xử phạt Công ty Cổ phần Alphanam,Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Vũ Hiếu (địa chỉ tại khu 13 TT Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) và ông Xu Sheng (địa chỉ tại Thượng Hải, Trung Quốc).

Theo đó, ông Nguyễn Vũ Hiếu bị phạt 60 triệu đồng do không công bố thông tin khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng. Ngày 8/1, ông Nguyễn Vũ Hiếu đã mua 1.467.000 cổ phiếu của Khoáng sản luyện kim màu (HNX: KSK) dẫn đến khối lượng nắm giữ sau giao dịch tăng từ 0 cổ phiếu lên 1.467.000 cổ phiếu (6,14%), trở thành cổ đông lớn của KSK nhưng không công bố thông tin.

Bên cạnh đó, ông Hiếu còn bị phạt 30 triệu đồng do không công bố thông tin khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Ngày 15/1, ông Hiếu tiếp tục mua 225.000 cổ phiếu KSK dẫn đến khối lượng nắm giữ sau giao dịch tăng từ 1.467.000 cổ phiếu (6,14%) lên 1.692.000 cổ phiếu (7,08%), nhưng không công bố thông tin.

Còn về ông Xu Sheng, cá nhân này bị phạt 30 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn khi không còn là cổ đông lớn. Ngày 11/1, ông Xu Sheng đã bán 57.200 cổ phiếu của Xây dựng điện VNECO 1 (HNX: VE1) dẫn đến khối lượng nắm giữ sau giao dịch giảm từ 342.000 cp (5,76%) xuống 284.800 cp (4,8%), nhưng đến ngày 23/2 HNX mới nhận được công bố thông tin về không còn là cổ đông lớn của ông Xu Sheng.