Vì sao COVID-19 vẫn khó dự đoán?

Số ca nhiễm mới và bệnh nhân nặng giảm mạnh, tuy nhiên WHO vẫn cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại.

Tại hội nghị trực tuyến công tác tiêm chủng vắc-xin COVID-19 và phòng, chống dịch, chiều 23-11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục và các dịch bệnh khác nhằm tăng cường hiệu quả phòng bệnh.

Theo bà Hương, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại đồng thời khuyến cáo việc duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc-xin.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, WHO vẫn cảnh báo về biến thể mới của SARS-CoV-2. Ảnh: Trần Minh

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, WHO vẫn cảnh báo về biến thể mới của SARS-CoV-2. Ảnh: Trần Minh

Với dịch COVID-19, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,38%). Tính trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.336 ca nhiễm); số tử vong xếp thứ 139/230 nước trên thế giới, 03/11 nước khu vực ASEAN.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 9.779.921 ca mắc (chiếm 85% tổng số mắc đợt dịch thứ 4), trong đó riêng 3 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 7.833.352 ca mắc (chiếm 80% tổng số ca mắc trong năm) với trung bình có 90.000 ca mắc mới hàng ngày. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay số mắc đã giảm mạnh, hiện chỉ còn ghi nhận trung bình 400 ca mắc mới mỗi ngày.

Số ca mắc COVID-19 trong tình trạng nặng, nguy kịch tiếp tục có xu hướng giảm, so với tháng trước giảm 23%.

Về số tử vong, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 10.775 ca tử vong (chiếm 25% tổng số tử vong đợt dịch thứ 4), trong đó riêng 3 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 10.099 ca tử vong (chiếm 93,7% tổng số tử vong trong năm) với trung bình có 112 ca tử vong hàng ngày. Cùng đó, số tử vong đã giảm mạnh hiện chỉ còn ghi nhận rải rác 1-2 ca tử vong mỗi ngày, nhất là có tuần không ghi nhận tử vong nào.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng dịch COVID-19 hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.

Cũng tại hội nghị, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho trẻ em và học sinh là giải pháp căn cơ để duy trì thành quả phòng chống dịch. Tuy nhiên, thời gian qua dịch cơ bản được khống chế, nhiều người có tâm lý chủ quan nên trì hoãn việc tiêm chủng. Hiện một số tỉnh/thành có tình trạng tiêm vắc-xin mũi 2 và mũi 3 còn chậm, chưa đạt 50% đối tượng có chỉ định.

Theo thống kê, kết quả tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi: tổng số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 17,3 triệu mũi, trong đó mũi 1 là hơn 10 triệu mũi, mũi 2 là hơn 7, 2 triệu mũi. Theo mục tiêu đề ra cần thêm 2,6 triệu mũi để đạt tỷ lệ 90%.

Có 20/63 tỉnh/thành phố có tỉ lệ tiêm mũi 2 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt trên 80% gồm: Ninh Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Ninh Thuận, Kon Tum, Tiền Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bên Tre…

Tiên vắc-xin COVID-19 cho học sinh tại Quảng Ninh

Tiên vắc-xin COVID-19 cho học sinh tại Quảng Ninh

Kết quả tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi: tổng số mũi tiêm đã thực hiện hơn 23 triệu mũi, trong đó số tiêm mũi 3 là hơn 5,6 triệu mũi (chiếm tỉ lệ 65%), cần tiêm thêm hơn 1,2 triệu mũi để đạt tỉ lệ 80%.

Trước đó, từ tháng 3-2021, Bộ Y tế bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 cho các nhóm đối tượng ưu tiên từ 18 tuổi trở lên và đã mở rộng dần nhóm đối tượng tiêm chủng. Từ tháng 10-2021 bắt đầu tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, từ tháng 4-2022 tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, từ tháng 6-2022 tiêm mũi 3 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Để tăng cường triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, liên Bộ Y tế và Giáo dục đào tạo vừa ban hành kế hoạch tăng cường triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục. Kế hoạch hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin COVID-19 mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nhằm tăng cường hiệu quả phòng bệnh.

Theo kế hoạch, tối thiểu 80% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trong các cơ sở giáo dục thuộc đối tượng chỉ định được tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 3; tối thiểu 80% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong các cơ sở giáo dục thuộc đổi tượng chỉ định được tiêm đủ 2 liều vắc-xin COVID-19. Với nhóm trẻ mầm non, hai bộ sẽ định kỳ ít nhất một lần/tuần thông tin cập nhật về tiến độ tiêm chủng, thông tin về các tỉnh thành tiêm chậm để chỉ đạo liên ngành.

Ngày 23-11, Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) đã quyết định cấp bổ sung 95.000 liều vắc-xin sởi kèm dung môi và 143.400 liều vắc-xin DPT cho 28 tỉnh/thành phố sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên tháng 11 và 12 trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.