Vì sao doanh nghiệp vận tải chưa giảm giá cước?

Giá xăng dầu giảm mạnh liên tục trong thời gian qua, tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa giảm giá cước với lý do phải bù lỗ cho giai đoạn giá xăng dầu tăng cao và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chưa giảm giá cước vận tải

Liên quan tới việc giá cước vận tải có giảm theo giá xăng dầu, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết: "Hiện tại, giá cước taxi của các doanh nghiệp taxi ở Hà Nội vẫn đang duy trì ở mức cân đối tương đương theo giá xăng dầu ở thời điểm 27.000 đồng/lít.

Theo ông Hùng, do giai đoạn trước các doanh nghiệp taxi phải bù vào giá cước khi giá xăng dầu tăng cao, nên giá cước ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể giảm.

Vì sao doanh nghiệp vận tải chưa giảm giá cước? - Ảnh 1.

Cước vận tải chưa giảm do các doanh nghiệp phải bù lỗ cho giai đoạn giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: N.A

Cũng theo ông Hùng, khi giá xăng tăng lên trên 30.000 đồng/lít và đạt đỉnh 32.870 đồng/lít vào ngày 21/6 vừa qua, một số doanh nghiệp taxi đã đề xuất tăng giá cước, sau một thời gian hoàn thành các thủ tục, đến khi chuẩn bị thực hiện thì giá xăng lại hạ, do đó vẫn chưa kịp điều chỉnh và tiếp tục sử dụng mức giá cũ như hiện nay.

Các doanh nghiệp vận tải taxi muốn điều chỉnh giá cước phải thực hiện theo lộ trình, mỗi lần điều chỉnh giá cước mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục, trung bình cần từ nửa tháng đến cả tháng mới có thể triển khai.

Lý do doanh nghiệp taxi phải trải qua các công đoạn như đề xuất mức giá cước mới, chờ thủ tục đồng ý từ 5-7 ngày, sau đó, liên hệ với các cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm định đồng hồ tính tiền và chi phí cho việc kiểm định này không hề nhỏ với mức phí 100.000-150.000 đồng/đồng hồ.

Hiện, giá xăng dầu giảm thì rất thấp nhưng khi tăng lại nhảy vọt, trong khi lộ trình thay đổi giá cước vận tải thủ tục rườm rà, chi phí cao nên các doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch rõ ràng trước quyết định đề xuất tăng/giảm giá cước.

"Nếu có dự báo giá xăng dầu tăng, giảm ra sao trong chu kỳ điều chỉnh kế tiếp sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải nắm bắt được tình hình để chủ động trong việc lên kế hoạch thay đổi giá cước," ông Hùng nói.

Cũng theo đại diện một số doanh nghiệp vận tải cho biết, giá cước vận tải không giảm và cũng chưa tăng so với giá xăng vì thủ tục điều chỉnh giá cũng phức tạp. Mặt khác, giá xăng chưa ổn định, lên xuống thất thường khiến doanh nghiệp cũng khó điều chỉnh.

Vì sao doanh nghiệp vận tải chưa giảm giá cước? - Ảnh 2.

Hãng taxi G7 hoạt động tải TP.Hà Nôi. Ảnh: Thế Anh

Bộ GTVT có điều chỉnh giá cước vận tải

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Tài chính có phương án điều chỉnh giá cước vận tải khi giá xăng dầu giảm sâu trong đợt điều chỉnh gần nhất.

Ngày 3/8, Bộ Tài chính đã phản hồi và đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.

Theo đó, với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, đề nghị cơ quan tiếp nhận kê khai rà soát mức giá kê khai dịch vụ vận tải phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá và đề xuất, tham mưu cơ quan có thẩm quyền có biện pháp quản lý giá phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với giá cước vận tải, theo quy định hiện hành thì Bộ GTVT là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải. Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp khi có yêu cầu.

Đến nay, Bộ GTVT, Sở GTVT tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận tải hành khách bằng taxi; giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá...

Theo Bộ Tài chính, xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng trong nền kinh tế. Chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của một số hàng hóa dịch vụ như vận tải.

Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.

Đồng thời, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.