Gia Lâm – Bài 1: Tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng mùa lũ, xe tải “băm” nát đường đê

Chiếc xe tải chở đất cát vừa bốc từ dưới thuyền lên chầm chậm lăn bánh tiến về phía cửa khẩu ra đê. Đi đến đâu, đất cát từ chiếc xe “khổng lồ” không được che chắn cẩn thận rơi vãi ra xung quanh và dường như mỗi vòng bánh lăn, con đường đê phải “gồng lên” chịu đựng.

 

 

clipkhai-thac-va-tap-ket-trai-phep.mp4

Hành lang thoát lũ bị “băm nát” trong mùa mưa lũ

Theo nghiên cứu, tìm hiểu về luật Đê điều và chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 15/6 đến 15/10 hằng năm, các địa phương phải nghiêm cấm hoạt động khai thác cát. Đồng thời, các địa phương có bãi ven sông cũng phải dừng tập kết và hạ thấp độ cao bãi tập kết, dừng trung chuyển vật liệu xây dựng nhằm tăng cường khả năng lưu thoát lũ.

Tuy nhiên, việc áp dụng và thực thi pháp luật còn nhiều bất cập. Đơn cử như tại một số xã của huyện Gia Lâm là Đông Dư, Đa Tốn, tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trái quy định trên hành lang đê điều vẫn diễn ra ngày đêm.

hieuunganhcom62dff2430a30e

Cận cảnh bãi tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông thuộc xã Đa Tốn, Gia Lâm.

Tại bãi ven sông trước cửa đền Thiên Vương Thịnh (Đông Dư, Gia Lâm), một “hệ sinh thái” về vật liệu xây dựng được hình thành. Trong đó, nổi bật là hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng. Ngoài ra, các trạm trộn, xe chở bê tông cũng được hoạt động hết công suất.

Theo dõi hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng, từ khoảng cuối giờ sáng tới đêm, khoảng 3 - 4 chiếc tàu phà chở vật liệu xây dựng tập kết, các xe máy xúc uỳnh uỵch bốc hàng lên hàng trăm xe tải ra vào liên tục.

hieuunganhcom62dff2c1851b2

Toàn cảnh hoạt động trung chuyển vật liệu tại bãi sông trước cửa đền Thiên Vương Thịnh (Đông Dư, Gia Lâm).

Để tìm hiểu, phóng viên theo chân một xe tải mang BKS 90H-00986, phía trước đầu xe có biển tên SOLTECH HƯNG PHÁT. Sau khi bốc vật liệu từ phà lên, phương tiện này tiến về phía đường đê và rẽ xuống theo hướng về tỉnh Hưng Yên, đi qua cầu Kênh và rẽ vào một công trường lớn tại đây. Khi chiếc xe này di chuyển, đi tới đâu, vật liệu liên tục rơi vãi từ trên thùng xe xuống lòng đường. Đáng chú ý, cũng theo ghi nhận và được chia sẻ từ một số lái xe vật liệu, phương tiện này có dấu hiệu cơi nới thành thùng, nâng mức tải lên nhiều lần.

hieuunganhcom62dff2d64d981

 

Theo chân đoàn xe, phóng viên được biết vật liệu chuyển về một công trường thuộc địa phận Hưng Yên.

Cụ thể, tuyến đường đê dọc theo địa phận xã Đông Dư quy định các xe có tải trọng tối đa là 18 tấn. Tuy nhiên, chỉ riêng chiếc xe tải mang BKS 90H - 00986 ước tính đã nâng mức tải trọng lên tới hàng chục tấn. Tại khu vực cửa khẩu ra vào bến sông này, chỉ trong khoảng 10 phút theo dõi, PV ghi nhận hoạt động của hàng chục chiếc xe tương tự ra vào. Tuyến đường đê ít nhiều đã sụt lún do phải chịu đựng lượng xe nói trên. Đặc biệt, khu vực này có nhiều xe máy cùng các phương tiện khác ra vào trong khi đường đê dốc lên, cửa khẩu khuất khúc, khó quan sát.

hieuunganhcom62dff36c669b2 1

Tuyến đường đê chỉ cho phép tải trọng tối đa của phương tiện là 18 tấn.

Theo chia sẻ của người dân xã Đông Dư, tình trạng nói trên đã tồn tại nhiều năm qua, đe dọa trực tiếp tới sự an toàn, tính mạng của họ nhưng vẫn không được giải quyết.

Vì sao hoạt động trung chuyển vật liệu xây dựng sai quy định diễn ra ngang nhiên?

Nhằm tìm hiểu kỹ hơn tình trạng nói trên, qua giới thiệu của một số đầu mối về vật liệu xây dựng, trong vai một chủ dự án, phóng viên liên hệ với một người đàn ông tên L. được giới thiệu là chủ bãi vật liệu ven sông trước cửa đền Thiên Vương Thịnh.

Ông L. cho phóng viên biết , vật liệu tại khu vực này hiện chỉ cung cấp cho dự án lớn tại tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, khi PV ngỏ ý yêu cầu cung cấp cát cho khu vực cách đó không xa, ông L. nêu giá mỗi khối là 113.000 đồng chưa thuế.

Khi phóng viên bày tỏ quan ngại do hiện đang là mùa mưa lũ, liệu rằng việc vận chuyển này có gặp trở ngại? Ông L. khẳng định với giọng tự tin là mức giá trên sẽ vận chuyển tới tận nơi. Tuy nhiên, người đàn ông này cũng nêu thêm nếu có vấn đề phát sinh sẽ “báo sau”. “Đang mùa mưa nhưng mà vẫn xử lý được, giá của anh là “bao” hết rồi, nếu có gì phát sinh thì tính sau”, ông L. nhấn mạnh.

Thời gian vừa qua, TP.Hà Nội liên tục gặp mưa lớn, ngập lụt, tình trạng tập kết, vận chuyển vật liệu xây dựng của các đơn vị nói trên đe dọa an toàn hành lang thoát lũ. Điều này gây nhiều bức xúc cho người dân và các chuyên gia trong ngành.

Để làm rõ thông tin về tình trạng nói trên, PV đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND xã Đông Dư. Tuy nhiên, cho tới nay, đơn vị này vẫn “bặt vô âm tín”, mặc cho hoạt động vận chuyển vật liệu ngày đêm “cày” nát các tuyến đường địa phương.

Không chỉ tại xã Đông Dư, cách bãi sông nói trên vài cây số, tại xã Đa Tốn và nhiều địa bàn thuộc huyện Gia Lâm, tình trạng tương tự diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, cho tới nay, chính quyền các cấp vẫn chưa có giải pháp dù tình trạng thiên tai ngày càng khắc nghiệt, khó lường.

Thống kê của chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 152 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nằm dọc các tuyến sông; trong đó, trên tuyến hữu Hồng có 85 bãi, tả Đuống 19 bãi, tả Hồng 16 bãi, hữu Đuống 12 bãi, Vân Cốc 7 bãi... Trong đó, 119/152 bãi không có giấy phép, 71 bãi có xe quá tải ra - vào bãi và đi trên đê. Tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất tải lớn.