Vì sao euro ngang giá USD trở thành 'con dao 2 lưỡi' với kinh tế Mỹ?

14/07/2022 10:00

Nếu đồng bạc xanh trở nên quá mạnh, nó có thể gây hại cho hoạt động kinh doanh của nhà xuất khẩu Mỹ.

Đồng euro (phía trên) và đồng đôla Mỹ tại Brussels, Bỉ, ngày 7/7. Ảnh: THX/TTXVN

Lần đầu tiên trong 20 năm, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong phiên giao dịch đầu tuần này và gần như tương đương khi 1 euro đổi được 1,0053 USD.

Mặc dù thoạt nghe thông tin trên có vẻ sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ song các nhà phân tích cho rằng nó có thể là con dao hai lưỡi, hủy hoại nền kinh tế số một thế giới.

Theo USA Today, nếu đồng USD trở nên quá mạnh, nó có thể gây hại cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ, vì hàng hóa của các công ty này có thể trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nước ngoài. Trong trường hợp doanh số xuất khẩu của Mỹ giảm, điều đó có thể tiếp tục kéo chậm nền kinh tế Mỹ vốn đã bị đình trệ vì đại dịch COVID-19.

Eswar Prasad, nhà kinh tế học tại Đại học Cornell và Viện Brookings, khẳng định đồng USD mạnh lên chắc chắn sẽ không có lợi cho các nhà xuất khẩu Mỹ.

Bên cạnh đó, đồng bạc xanh mạnh lên sẽ ảnh hưởng đến các công ty Mỹ kinh doanh ở nước ngoài. Xu thế này khiến doanh thu nước ngoài của các công ty Mỹ có giá trị thấp hơn khi họ quy đổi sang USD và mang về nước. Ví dụ, trong tháng trước, tập đoàn công nghệ Microsoft đã hạ triển vọng doanh thu từ tháng 4 đến tháng 6 do biến động tỷ giá hối đoái không có lợi.

Khoảng cách thương mại ngày càng tăng đã khiến tăng trưởng kinh tế của Mỹ bị giảm 3,2 điểm phần trăm trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay. Đó là lý do chính khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý đầu tiên giảm với tốc độ 1,6% hàng năm. Các nhà kinh tế cho rằng nguy cơ suy thoái đang gia tăng ở Mỹ khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) tăng lãi suất và người tiêu dùng cạn kiệt khoản tiết kiệm sau đại dịch.

Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty phân tích Moody's Analytics, ước tính đồng USD đã tăng 10% trong năm qua so với các đồng tiền ngoại tệ của các đối tác thương mại, khiến lạm phát giảm khoảng 0,4 điểm phần trăm.

“Thường thì đồng euro sẽ cao hơn đồng USD. Tuy nhiên, hiện giờ đồng euro đã yếu dần đi và dễ bị tổn thương do xung đột tại Ukraine, kéo theo giá dầu, giá khí đốt tự nhiên và nông sản tăng cao”, nhà phân tích Zandi cho biết.

Theo ông Zandi, đồng euro giảm dần và gần ngang giá với USD sẽ giúp người Mỹ đi du lịch châu Âu rẻ hơn rất nhiều so với mùa Hè năm ngoái, giá vé máy bay và giá khách sạn có thể giảm từ 10 đến 20%. Ngược lại, Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ đối với người châu Âu, khi giá du lịch tăng 10-15%.

Nguyên do khiến đồng USD tăng giá chủ yếu là do FED đang tăng lãi suất mạnh hơn so với các ngân hàng trung ương ở các quốc gia khác trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ. Việc FED tăng lãi suất khiến lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng lên. Điều này thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm lợi tức dồi dào hơn mức họ có thể nhận được ở những nơi khác trên thế giới và làm tăng nhu cầu đối với chứng khoán bằng đồng USD, kéo theo tăng giá trị của đồng tiền.

Trong khi đó, năm nay, đồng euro yếu dần phần lớn do lo ngại nhóm 19 quốc gia sử dụng đồng tiền này (Eurozone) sẽ rơi vào suy thoái. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm tăng giá dầu, khí đốt đồng thời đè nặng sức ép lên người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Âu.

Đặc biệt, việc Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên gần đây đã khiến giá cả tăng vọt và làm dấy lên lo ngại một khi nguồn cung bị ngưng hoàn toàn, các chính phủ buộc phải nhường năng lượng phân bổ cho ngành công nghiệp sang cung cấp cho gia đình, trường học và bệnh viện.

Các nhà kinh tế tại ngân hàng Berenberg đã tính toán rằng với tốc độ tiêu thụ hiện tại, hóa đơn khí đốt tăng thêm sẽ là 220 tỷ euro trong vòng 12 tháng,

Robin Brooks, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Thương mại Ngân hàng Tài chính Quốc tế, nhận định: “Cuộc chiến này là một đòn giáng mạnh vào châu Âu. Nó ảnh hưởng đến mô hình tăng trưởng của Đức phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ Nga. Châu Âu đang đối mặt với một cơn địa chấn và đồng euro cần phải giảm xuống để phản ánh điều đó”.

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao euro ngang giá USD trở thành 'con dao 2 lưỡi' với kinh tế Mỹ?" tại chuyên mục THẾ GIỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#