Dữ liệu của Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây có xu hướng giảm khá mạnh so với trước. Tại chu kỳ 15 ngày trước kỳ điều chỉnh hôm 25/11, giá bình quân xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 là 91,98 USD/thùng; 94,44 USD/thùng xăng RON 95; 91,49 USD/thùng dầu diesel; 89,4 USD/thùng dầu hỏa; 453,685 USD/tấn dầu mazut.
Còn tại 15 ngày qua của chu kỳ điều chỉnh hôm nay (10/12), Bộ Công Thương chỉ cập nhật duy nhất giá đầu vào ngày 6/12 với RON 92 ở mức 80,06 USD/thùng, còn RON95 ở mức 82,57 USD/thùng. Điều này khiến nhiều chuyên gia khẳng định, giá trong nước sẽ giảm mạnh lần thứ 2 liên tiếp trong kỳ điều chỉnh này.
Giá xăng trong nước giảm theo thế giới
Từ 13h hôm nay (10/12), giá xăng E5 RON 92 giảm 830 đồng/lít, xuống 22.082 đồng/lít. Xăng RON 95 giảm 1.100 đồng/lít, còn 22.801 đồng/lít. Các loại dầu cũng giảm từ 730 - 1.050 đồng/lít, kg tùy loại.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành trích lập quỹ bình ổn giá với xăng RON 95 là 700 đồng/lít; xăng E5 RON 92 là 250 đồng/lít, dầu diesel 250 đồng/lít; dầu hỏa 500 đồng/lít và dầu mazut 700 đồng/kg.
Như vậy, đúng như dự đoán của nhiều doanh nghiệp đầu mối, giá xăng dầu trong nước có kỳ giảm mạnh thứ hai liên tiếp. Nguyên nhân là do chịu tác động của xu hướng thế giới.
Giá xăng trong nước hôm nay có thể giảm sâu. (Ảnh minh họa: Tin mới)
Đồng tình với nhận định này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ giá thế giới, do phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu. Vì thế, khi giá thế giới có xu hướng giảm rõ rệt thì giá trong nước chắc chắn cũng sẽ giảm theo.
Nói về việc giá xăng giảm, TS. Lê Đăng Doanh bày tỏ, điều này sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế, nhất là khi kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hồi phục do chịu tác động của COVID-19.
“Giá xăng giảm, chúng ta giữ vững ổn định vĩ mô thì sẽ đóng góp rất tích cực vào việc phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Tôi rất vui mừng về các tín hiệu này”, ông Doanh nhấn mạnh.
Theo phân tích của chuyên gia, giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.
Đặc biệt, giá xăng dầu giảm tác động rất mạnh tới các ngành như: Đánh bắt thủy sản, vận tải. Vì vậy, bên cạnh tác động trực tiếp làm giảm giá thành sản phẩm, giá xăng dầu giảm còn làm giảm giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu trên diện rộng.
Ước tính, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm tổng sản phẩm nội địa (GDP) giảm khoảng 0,5% - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Giá xăng thế giới không thể quá cao
Bộ Công Thương phân tích, thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu tác động từ việc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Nguồn cung dầu được dự báo tăng do nhiều nước (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…) bắt đầu tính đến việc sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược để giảm giá xăng dầu.
Cùng với đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định thu hẹp chương trình kích thích kinh tế để kiềm chế lạm phát và được kỳ vọng sẽ sớm tăng lãi suất USD… đã tác động đến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong giai đoạn vừa qua.
OPEC tăng sản lượng dầu mỏ khiến giá xăng dầu thành phẩm giảm mạnh. (Ảnh: Reuter).
Trong khi đó, lý giải về việc giá xăng thế giới giảm mạnh, các chuyên kinh tế đều cho rằng, nguyên nhân chính là do OPEC tăng sản lượng dầu mỏ và nền kinh tế phục hồi không như dự đoán khiến nguồn cung tăng lên.
Theo dự báo của cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nguồn cung dầu thô toàn cầu những ngày qua đã tăng, làm kìm hãm mức cao kỷ lục của giá xăng. Giá dầu giảm sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và IEA cảnh báo tình trạng dư cung trong bối cảnh các trường hợp mắc COVID-19 tại châu Âu gia tăng liên tục làm giảm khả năng hồi phục.
“Phục hồi kinh tế không như mong đợi, khiến nguồn cầu về dầu chững lại, trong khi sản lượng lại tăng khiến giá dầu giảm”, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích, giá xăng dầu trên thế giới không thể quá cao. Bởi lẽ, khi giá cao quá sẽ khó giúp nền kinh tế phục hồi. Thời gian qua, Mỹ đã kêu gọi OPEC tăng sản lượng dầu để giảm giá xăng. Trong khi đó, Chính phủ một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản…cũng "xả kho" dự trữ để giảm giá xăng dầu.
Ngoài ra, nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm hơn so với dự tính do biến chủng mới Omicron bùng phát, nhiều quốc gia phải thực hiện giãn cách, nên tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng bị hạn chế hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cầu về xăng dầu trên thế giới.
Liên hệ với Việt Nam, ông Thịnh cũng cho rằng, giá xăng không thể quá cao. Vì để phục hồi sản xuất, các cơ quan điều hành cũng phải hỗ trợ giá xăng để không tăng quá cao bằng cách xả quỹ bình ổn. Thời gian qua, việc hỗ trợ giá xăng dầu từ Quỹ Bình ổn đã làm cho tốc độ tăng giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn 8% so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thế giới.
Trước phiên giảm giá hôm 25/11, thị trường xăng dầu "nóng" lên khi trải qua 5 lần tăng liên tiếp, kể từ ngày 10/9. Trong đó, phiên tăng mạnh nhất là ngày 26/10 khi mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng; RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng cao, trong đó dầu diesel tăng 1.170 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít.