Vì sao KBC bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 7,4 triệu cổ phiếu?

Tuần qua, cổ phiếu KBC gây chú ý với nhà đầu tư khi giảm giá mạnh và là mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên HOSE với 7,4 triệu cổ phiếu.

bat-dong-san-khu-cong-nghiep-1661143464.jpg

Nhiều cổ đông cá nhân của KBC lo lắng hỏi, chuyện gì đang xảy ra với doanh nghiệp khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khối lượng lớn như vậy?

Việc nhà đầu tư nước ngoài bán ra mạnh KBC trong bối cảnh Công ty công bố thông tin tích cực là ký MOU hợp đồng với Foxconn cho thuê 50 ha đất tại Khu công nghiệp Quang Châu để sản xuất các sản phẩm Apple, gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư.

Khu công nghiệp Quang Châu - Bắc Giang hiện hữu với diện tích 426 ha đã thu hút được 47 dự án đầu tư với tỷ lệ lấp đầy 100%, trong đó có 40 dự án FDI và 7 dự án DDI. Với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, tạo việc làm cho lao động địa phương cũng như tăng thu ngân sách, dự án mở rộng Khu công nghiệp Quang Châu được tỉnh Bắc Giang thúc đẩy thực hiện với diện tích phần mở rộng là khoảng 90 ha.

Huyện Việt Yên đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 836 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích hơn 52,37 ha. Mục tiêu của KBC là hoàn thành thủ tục pháp lý và cơ sở hạ tầng đưa vào kinh doanh trong 2022.

Như vậy, KBC đã chốt cho thuê 50 ha. Giới đầu tư dự phóng, mức giá cho thuê dự kiến là 110 USD/m2, doanh thu dự kiến gần 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận gộp ước đạt gần 800 tỷ đồng.

Theo thống kê, quỹ đất khu công nghiệp sẵn sàng khai thác của KBC khoảng 260 - 270 ha. Với tốc độ cho thuê hiện tại, quỹ đất này đảm bảo đóng góp doanh thu ổn định trong 2022 - 2023.

KBC còn của để dành khác ở Khu đô thị Tràng Cát. Khu đô thị Tràng Cát có tổng diện tích 584,9 ha, đã đền bù 582 ha. KBC đang làm việc với nhà đầu tư nước ngoài 50 ha đất thương phẩm để hợp tác hoặc liên doanh; đồng thời đàm phán với nhà đầu tư thứ cấp trong nước để hợp tác hoặc liên doanh 30 - 50 ha đất thương phẩm mỗi năm.

Bên cạnh đó, các công ty mà KBC góp vốn chi phối được cấp hàng trăm ha đất công nghiệp như tại Hưng Yên đã cấp phép đầu tư 200 ha, Công ty đang làm thủ tục cấp phép thêm 200 ha nữa. Khu công nghiệp Tân Lập 650 ha, Khu công nghiệp Tân Phú Trung 450 ha ở Long An.

Như vậy, hoạt động kinh doanh chính của KBC chuyển động tích cực. Việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh tuần qua khiến nhiều nhà đầu tư khó lý giải.

Số liệu cập nhật cho thấy, hiện nhà đầu tư nước ngoài sở hữu xấp xỉ 20% cổ phần KBC. Với vốn điều lệ hiện nay gần 7.000 tỷ đồng, tương ứng với 700 triệu cổ phần (tính theo mệnh giá), nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 140 triệu cổ phiếu KBC. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài lớn rót vốn vào KBC có nhóm Dragon Capital.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, hiện KBC đang triển khai việc phát hành riêng lẻ 150 triệu cổ phiếu. Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông đã được thông qua, giá bán cổ phần được xác định không thấp hơn 80% giá bình quân 30 phiên kể từ khi KBC được duyệt hồ sơ từ UBCKNN, HĐQT KBC được ủy quyền lựa chọn giá phát hành có lợi nhất với các cổ đông.

Giám đốc tư vấn một CTCK lớn nhận xét, đây có thể là lý do nhà đầu tư nước ngoài bán ra cổ phiếu KBC để ép giá xuống, tạo điều kiện thuận lợi đàm phán giá mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ với ban lãnh đạo KBC.

Lãnh đạo KBC cũng cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề và đàm phán tham gia đợt phát hành này.

Năm 2021, KBC đã bán 100 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ với giá 34.096 đồng/cổ phiếu, đợt phát hành hoàn tất vào tháng 10 nên chưa hết hạn cổ phiếu bị phong tỏa 1 năm theo điều kiện phát hành riêng lẻ.

Câu hỏi được cổ đông KBC quan tâm lúc này là nếu điều kiện thị trường không thuận lợi và giá cổ phiếu bị kéo xuống thấp so với định giá, HĐQT KBC có chấp thuận phát hành riêng lẻ với mức giá bán cổ phiếu không thực sự có lợi cho doanh nghiệp và cổ đông? Điều này sẽ phụ thuộc vào việc KBC có chịu áp lực trả nợ hay không cũng như nhu cầu vốn đầu tư với KBC trong nửa cuối năm 2022 và cả năm 2023.