GDP tăng trưởng 5,3%, kịch bản xấu có thể xuống 4%
Mức dự báo tăng trưởng này thấp hơn 0,2% so với hồi đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức 6,5% được đưa ra tháng 10/2021. Nhưng trong kịch bản xấu, GDP của Việt Nam có thể sẽ chỉ tăng trưởng 4%.
WB liên tục hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam là vì những khó khăn mà nền kinh tế phải đối phó trước các ca nhiễm tăng cao và khả năng dễ bị tổn thương từ các cú sốc bên ngoài do độ mở kinh tế lớn.
Việc nhập khẩu các loại nguyên vật liệu với giá cao, tác động đến phục hồi kinh tế
Đơn cử như việc Việt Nam chịu tác động lớn bởi việc nhập khẩu dầu với giá trị lên tới 3% GDP. Hay việc nhập khẩu các loại nguyên vật liệu khác như sắt, thép... bị ảnh hưởng lớn khi giá nhập khẩu đắt hơn khiến chi phí giá cả tăng cao, tác động đến phục hồi kinh tế.
Đơn vị này cũng dự báo kịch bản tăng trưởng ổn định lại quanh mức 6,5%, nếu các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng trong và ngoài nước.
Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng phục hồi từng bước khi lòng tin người tiêu dùng khôi phục và lượng khách quốc tế dần trở lại vào giữa năm nay.
Tuy nhiên, WB lại cho rằng, những triển vọng trên vẫn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng, khi đối tác thương mại chính của Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại. Các yếu tố này có thể bị trầm trọng hơn nếu phát sinh biến chủng Covid-19 mới.
Trong khi, phục hồi kinh tế còn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi nhu cầu tư nhân trong nước, hiện còn tương đối chậm, thể hiện tâm lý thận trọng của người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Nới lỏng tiền tệ nhưng cần thận trọng
Song, theo WB, nếu Chính phủ triển khai gói hỗ trợ quyết liệt bằng chính sách tài khóa thì tác động đến tăng trưởng kinh tế có thể được giảm nhẹ. Chính sách tiền tệ vẫn cần nới lỏng, nhưng phải tiếp tục thận trọng nhằm kiểm soát rủi ro trong khu vực tài chính.
WB đưa ra 4 nhóm hành động chính sách. Đó là, thay vì kiểm soát giá cả và hỗ trợ toàn diện, cần áp dụng hỗ trợ có mục tiêu cho hộ gia đình và doanh nghiệp để vừa hạn chế “nỗi đau” do các cú sốc gây ra vừa tạo dư địa đầu tư để kích thích tăng trưởng.
Các tổ chức tài chính cần được đánh giá sức chịu đựng để giúp xác định rủi ro tiềm ẩn sau quy định cho phép gia hạn thời gian trả nợ.
Bên cạnh đó, cần cải cách chính sách thương mại hàng hóa và đặc biệt về thương mại các ngành dịch vụ đang được bảo hộ, sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia tận dụng quá trình chuyển dịch trong thương mại toàn cầu.
WB cũng cho rằng, cần cải thiện kỹ năng và đẩy mạnh cạnh tranh để tăng cường năng lực và động lực áp dụng công nghệ số mới ra đời.
"Các Chính phủ phải triển khai đồng bộ các biện pháp cải cách tài khóa, tài chính và thương mại mới có thể giảm rủi ro, phục hồi tăng trưởng và giảm nghèo", WB nhấn mạnh.