Lạm phát của Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực. Đây là đánh giá của bà Pemba Tshering Sherpa, quan chức phụ trách truyền thông của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), theo tin từ TTXVN.
Lạm phát cho đến gần đây hầu như chỉ giới hạn ở một số loại hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ tiêu thụ nhiều nhiên liệu như vận tải.
Bà Sherpa cho rằng người tiêu dùng hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá thực phẩm trên toàn cầu vì nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn giảm so với mức đỉnh của năm ngoái và thói quen tiêu thụ gạo vẫn rẻ hơn lúa mỳ cũng như các loại ngũ cốc khác.
Theo đại diện IMF việc cắt giảm thuế môi trường và các loại thuế, phí khác đối với các sản phẩm dầu mỏ (thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế tiêu thụ đặc biệt) giúp giảm bớt tác động của giá dầu thế giới tăng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đóng băng giá đối với một số dịch vụ, bao gồm điện, y tế và giáo dục, cũng góp phần giữ cho lạm phát trong tầm kiểm soát cho đến nay.
Bà Sherpa nhận định các chính sách của Việt Nam đã được vận hành tốt để hỗ trợ sự phục hồi trong quá trình chuyển đổi hậu COVID-19. Tuy nhiên, những rủi ro đang hiện hữu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm lại đáng kể, áp lực lạm phát trong nước và áp lực đối với đồng tiền của Việt Nam ngày càng tăng. Những thách thức này đòi hỏi sự chuyển đổi từ lập trường chính sách thuận lợi sang thận trọng hơn, tập trung vào việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và khu vực tài chính.
Bà Sherpa cũng đưa ra những khuyến nghị về chính sách và biện pháp cho nền kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh trong ngắn hạn, các chính sách tiền tệ và tài khóa cần được phối hợp và truyền đạt một cách thận trọng.
Về mặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục chú trọng ổn định giá cả, sau quyết định mở rộng biên độ tỷ giá hối đoái. Dự trữ ngoại hối nên được bảo toàn để đối phó với tình trạng bất ổn thị trường có thể tồi tệ hơn trong tương lai.
Ngân hàng Nhà nước nên dựa nhiều hơn vào việc tăng lãi suất trong nước và hạ trần lãi suất tín dụng để kiềm chế lạm phát, ngay cả khi điều này có nghĩa là tăng trưởng có phần thấp hơn. IMF cũng khuyến khích Việt Nam duy trì mục tiêu lạm phát ở mức 4% vào năm 2023 để thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc ổn định giá cả.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cần phải linh hoạt khi đối mặt với những bất ổn ngày càng tăng. Việt Nam nên dựa vào các khoản chuyển giao có mục tiêu cho các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất, thay vì triển khai bổ sung các biện pháp kích thích tài khóa trên diện rộng có thể sẽ thúc đẩy lạm phát. Ngoài ra, bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính cũng có ý nghĩa quan trọng.
Hơn nữa, mức lạm phát cao bất thường ở nhiều nền kinh tế phát triển có thể khiến nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ. Để đối phó, NHNNcó thể phải đối mặt với áp lực tiếp tục tăng tỷ giá trong nước.
Trong báo cáo kinh tế 10 tháng đầu 2022, lạm phát là một trong những chỉ số đáng chú ý khi CPI tăng tốc từ 3,9% trong tháng 9 lên 4,3% trong tháng 10, lần đầu tiên vượt trên chỉ tiêu 4% của NHNN kể từ tháng 4/2020.
Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng được Nhà nước quản lý giá (y tế và giáo dục), tiếp tục tăng từ 3,8% trong tháng 9 (so cùng kỳ) lên 4,5% trong tháng 10, đạt kỷ lục mới.
Mới đây, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) khuyến nghị cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá linh hoạt hơn nữa, bao gồm cho phép tỷ giá tham chiếu tăng nhanh hơn. Biện pháp này có thể được bổ sung bằng cách tiếp tục sử dụng lãi suất tham chiếu, đặc biệt nếu tỷ giá tăng nhanh dẫn đến tăng lạm phát và làm cho kỳ vọng lạm phát gia tăng.
Do áp lực tỷ giá kéo dài, biện pháp bán ngoại tệ trực tiếp nên được áp dụng sáng suốt để bảo tồn dự trữ ngoại hối. Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này trở nên hết sức quan trọng để đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước tăng tốc.