Sáng 19/10, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18-20/10/2020.
Đây là lần thứ hai liên tiếp, một Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức.
Ông Suga Yoshihide sinh ngày 06/12/1948 ở tỉnh Akita, miền Bắc Nhật Bản. Ông tốt nghiệp khoa Luật, Trường Đại học Hosei và từng trải qua nhiều vị trí công tác quan trọng như Thư ký Hạ Nghị sỹ Okonogi Hikosaburo, Thư ký Bộ trưởng Thương mại Công nghiệp Okonogi Hikosaburo, Thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Truyền thông, Chánh Văn phòng Nội các...
Ông Suga Yoshihide kết hôn với bà Suga Mariko năm 1980 và có 3 con trai.
Tân Thủ tướng Nhật Bản có sở thích du lịch, đọc sách lịch sử, câu cá sông, đi bộ và ưa chuộng món bánh pancake, mỳ sợi. Ông không hút thuốc, không uống được rượu và hạn chế sử dụng đồ uống có gas...
Ông thường giữ thói quen dậy sớm, đi dạo vào buổi sáng, gập bụng 200 lần/ngày.
Sau khi nhậm chức (16/9/2020), ông Suga Yoshihide khẳng định sẽ tập trung kiểm soát dịch Covid-19, cân bằng giữa khống chế dịch bệnh và khôi phục kinh tế; tiếp tục duy trì chính sách Abenomics, cải cách hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ số hóa, giải quyết vấn đề dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm.
Từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc, nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội của Nhật Bản. Tính đến ngày 05/10/2020, trên toàn Nhật Bản có 86.633 người bị lây nhiễm và 1.613 người tử vong. Đến nay, Chính phủ đã ban hành các gói ứng phó khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử, trị giá khoảng 234.000 tỷ yên (2.168 tỷ USD), tương đương gần 40% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo cuộc sống của người dân (bao gồm cả người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản), cải thiện hệ thống y tế, an sinh xã hội, phát triển thuốc/Vắc-xin điều trị, thiết lập giai đoạn chuyển tiếp, chuẩn bị cho công cuộc phục hồi kinh tế hậu Covid.
Với phương châm “Quốc gia hòa bình” làm nền tảng, cho đến tháng 9/2020, dưới thời Chính quyền Thủ tướng Abe, Nhật Bản triển khai chính sách ngoại giao toàn cầu trên cơ sở “Chủ nghĩa hòa bình tích cực”.
Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Suga khẳng định kế thừa chính sách ngoại giao của chính quyền Abe, tiếp tục ưu tiên: (i) Quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ là trụ cột then chốt, tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Mỹ, xây dựng quan hệ cá nhân tin cậy với Tổng thống Mỹ; (ii) thúc đẩy một cách chiến lược sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP); (iii) xây dựng quan hệ ổn định với các nước láng giềng.
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G-7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2 (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.