Việt Nam sẽ nhận 17 triệu liều vắc-xin trong tháng 9

Dự kiến đến cuối tháng 10 tới Việt Nam có thể huy động hơn 30 triệu liều vắc-xin. Trong tháng 9 này sẽ có khoảng 17 triệu liều vắc-xin về Việt Nam. Đây là thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021 diễn ra chiều 6/9, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Nguồn cung vắc-xin khan hiếm trên toàn cầu

Tại cuộc họp báo, nội dung chính được các phóng viên quan tâm là về việc phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là việc triển khai tiêm vắc-xin.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, vấn đề tiếp cận vắc-xin là một trong những vấn đề ưu tiên, trọng tâm hàng đầu của Chính phủ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phục hồi kinh tế, sản xuất. Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu việc tiếp cận vắc-xin cũng rất khó khăn. Chủng Delta diễn biến phức tạp nên nhu cầu sử dụng vắc-xin tăng cao, thêm vào đó là vấn đề tiếp cận bất bình đẳng giữa nước giàu, nước nghèo. Đặc biệt, nguồn cung vắc-xin trên toàn cầu hiện nay cũng chưa đáp ứng nhu cầu.

Theo con số mới nhất trong 6 tháng năm 2021, nếu như thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vắc-xin để đạt trạng thái (gần như) miễn dịch cộng đồng thì mới chỉ sản xuất được khoảng 4,5 tỷ liều. Do đó tình trạng khan hiếm vắc-xin xảy ra với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thời gian qua, Tổ công tác về ngoại giao vắc-xin của Chính phủ đã tổ chức triển khai công tác tìm kiếm, huy động vắc-xin khẩn trương, tận dụng các mối quan hệ song phương, đa phương qua các tổ chức quốc tế và đẩy mạnh các hoạt động vận động ngoại giao vắc-xin thông qua mạng lưới đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất không chỉ vắc-xin mà còn thuốc đặc trị, trang thiết bị y tế. Để bảo đảm nguồn cung ứng vắc-xin ổn định, lâu dài, tổ công tác cũng đẩy mạnh thúc đẩy việc ký kết các hợp đồng mua vắc-xin mới với các hãng lớn cũng như đẩy mạnh hợp tác để sản xuất vắc-xin trong nước, bảo đảm việc tiếp cận ổn định.

Đến nay kết quả đạt được khá tích cực. "Đến cuối tháng 8 chúng ta có 33 triệu liều vắc-xin. Dự kiến đến cuối tháng 10 có thể huy động hơn 30 triệu liều vắc-xin. Trong tháng 9 sẽ có khoảng 17 triệu liều vắc-xin về Việt Nam." - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho hay.

Về thuốc đặc trị, chúng ta cũng đã tích cực tìm kiếm các nguồn thuốc đặc trị khác nhau. Bộ Y tế cùng các cơ quan đại diện ở nước ngoài đã vận động chính phủ các nước để nhập khẩu thành công nhiều triệu liều thuốc đặc trị từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Sĩ. Tổ công tác cũng đẩy mạnh việc tiếp cận các trang thiết bị y tế từ các nguồn khác nhau.

Đến nay đã có 17 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức, kiều bào ở nước ngoài hỗ trợ nhiều thiết bị y tế trị giá đến hàng triệu USD như: 660 máy thở, 600 máy tạo oxy, 1.000 tấn oxy... đã được chuyển về Việt Nam để hỗ trợ công tác chống dịch.

Tự chủ vắc-xin nội vào năm 2022

Về vắc-xin nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời tại họp báo cho biết hiện nay trong nước đang thử nghiệm lâm sàng 3 loại vắc-xin là Nano Covax, COVIVAX và ARCT-154. Sang năm 2022, chúng ta sẽ tự chủ vắc-xin trong nước.

Hiện tại, vắc-xin Nanocovax đang thực hiện giữa pha 3. Ngày 22/8 vừa qua, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen kết hợp với Học viện Quân y và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã nộp hồ sơ sau khi kết thúc thực hiện lâm sàng pha 3 để gửi lên Hội đồng Đạo đức quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại mà hội đồng cấp phép kiến nghị cần phải giải quyết.

Cụ thể, có 3 nội dung mà công ty cũng như đơn vị nghiên cứu cần thiết phải bổ sung. Về tính an toàn, cần bổ sung, cập nhật thêm dữ liệu an toàn cho toàn bộ đối tượng đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin tới thời điểm hiện tại và giải thích rõ về các trường hợp sự cố bất lợi nghiêm trọng tới thời điểm hiện tại.

Về tính sinh miễn dịch, cần bổ sung, cập nhật dữ liệu theo đề cương sửa đổi mới nhất được Hội đồng Đạo đức thông qua, bao gồm: bổ sung, cập nhật đánh giá tính sinh miễn dịch trên các biến chủng mới (ví dụ biến chủng Delta, biến chủng Anh…) và cỡ mẫu đánh giá tính sinh miễn dịch cần thực hiện theo đúng đề cương nghiên cứu đã được thông qua.

Về hiệu quả bảo vệ, đề nghị doanh nghiệp phối hợp với nhóm nghiên cứu để phân tích, bàn luận về mối liên quan giữa tính sinh miễn dịch của vắc-xin và hiệu quả bảo vệ tối thiểu 50% (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).

"Chúng ta mong muốn sớm có vắc-xin sản xuất trong nước sớm nhất. Tuy nhiên, vắc-xin là một sản phẩm đặc biệt liên quan đến cả cộng đồng và nhiều thế hệ. Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Y tế là làm nhanh nhưng phải chặt chẽ, an toàn, hiệu quả." - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.