Nợ xấu và trích lập dự phòng đã và đang là yếu tố chi phối không nhỏ kết quả kinh doanh của Vietbank.
Nợ xấu tăng mạnh
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, Vietbank có tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,2% so với đầu năm, đạt 56.222 tỷ đồng. Nợ xấu của ngân hàng còn tăng nhanh hơn, lên hơn 19% so với đầu năm nay, tương đương 2.198 tỷ đồng và gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của Vietbank tăng 61,5% so với hồi đầu năm lên mức gần 1.489 tỷ đồng, chiếm tới 68% nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 2,25% cuối 2021 hay 3,65% hồi đầu năm, lên mức 3,91% tính đến ngày 30/6/2022. Như vậy, so với các ngân hàng trong hệ thống, Vietbank có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm top và chỉ thấp hơn ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu VPBank (5,25%).
Điểm sáng của Vietbank thu nhập lãi thuần đạt 568,4 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, ngân hàng này có tăng trưởng lãi thuần từ dịch vụ và hoạt động khác. VietBank báo lãi trước thuế quý 2/2022 đạt 274,5 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế đạt 310,4 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, ngân hàng này chỉ hoàn thành được 35,5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022.
Luân chuyển dòng tiền đặc biệt
Trước năm 2022, Hoa Lâm liên tục phát hành trái phiếu, tăng nguồn vốn để mở rộng quy mô đầu tư, trong đó có trái phiếu được thu xếp bởi Vietbank, hoặc thế chấp tại các chi nhánh Vietbank.
Ghi nhận đến ngày 30/6, tổng tài sản của Vietbank đạt 109.666,9 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm nay. Vietbank nắm giữ tài sản, giấy tờ có giá nhận thế chấp, cầm cố, chiết khấu và tái chiết khấu đạt 115.759.201 triệu đồng, trong đó, tài sản bất động sản tăng mạnh so với cuối 2021, đạt tới 90.547.481 triệu đồng.
Cũng tại báo cáo soát xét của Vietbank, mục Tài sản có khác ghi nhận mục đặt cọc chuyển nhượng BĐS 1.808 tỷ đồng. Đây là khoản gồm 1.100 tỷ đồng mua một phần tòa nhà Lim II theo hợp đồng với Công ty Lương Thạch, một đơn vị “họ hàng” của Hoa Lâm. Bên cạnh đó, còn có 708 tỷ đồng theo hợp đồng hứa mua, hứa bán một BĐS khác cũng với Công ty Lương Thạch.
Về bản chất hợp đồng hứa mua hứa bán, theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trước các đại biểu Quốc hội hồi đầu năm nay, chính là trường hợp doanh nghiệp “lách” Luật Đất đai, tiến hành huy động vốn khi được phép, đủ điều kiện để bán. Trong bối cảnh các ngân hàng đang cạnh tranh với từng đồng huy động, thì hợp đồng lách luật này càng cho thấy mối quan hệ và luân chuyển dòng tiền khá đặc biệt của Vietbank với Hoa Lâm.