Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HOSE: HVN) mới đây đã có văn bản giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) về biện pháp cũng như lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát.
Theo đề án cơ cấu, năm 2022, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi, nhanh chóng phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, Vietnam Airlines cũng đề xuất thoái vốn khỏi Pacific Airlines. Nếu thành công, phương án này sẽ có tác động tích cực tới số liệu tài chính của Vietnam Airlines. Trong đó, hãng có thể giảm lỗ lũy kế vì nắm 98% vốn của Pacific Airlines mà Pacific Airlines đang lỗ 7.000 - 8.000 tỷ đồng.
Nếu tìm được nhà đầu tư mua cổ phần Pacific, Vietnam Airlines sẽ có thêm nguồn thu nhập tài chính cũng như dòng tiền. Tuy nhiên, việc thoái vốn khỏi hãng bay giá rẻ này đang gặp mâu thuẫn về quy trình giữa các văn bản luật, dù có 3 nhà đầu tư muốn tham gia thương vụ.
Theo báo cáo tài chính quý III/2022 của Vietnam Airlines, lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 51.387 tỷ đồng, tăng 172% so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế 7.784 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức lỗ 12.153 tỷ đồng cùng kỳ 2021.
Cộng gộp cả mức lỗ trong quý III, tính đến ngày 30/9/2022, tổng mức lỗ lũy kế của Vietnam Airlines được nâng lên mức 31.547 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 7.510 tỷ đồng.
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh, năm 2022, Vietnam Airlines dự tính lỗ 9.335 tỷ đồng, trong khi đó trong hai năm trước đó, doanh nghiệp này cũng lỗ lần lượt gần 11.000 tỷ đồng (năm 2020) và 13.000 tỷ đồng (năm 2021).
Nếu đúng như kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ có năm thứ 3 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận âm thuộc trường hợp bắt buộc hủy niêm yết theo quy định tại Luật Chứng khoán.
Bên cạnh đó, hiện nay Vietnam Airlines cũng đang phải chịu áp lực thanh khoản rất lớn trong ngắn hạn. Theo đó, đến hết quý III/2022, nợ ngắn hạn của hãng hàng không này lên hơn 50.000 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 14.500 tỷ đồng.