Thị trường chứng khoán trong nước vẫn trong giai đoạn khó lường khi liên tục xuất hiện các đợt tăng giảm biên độ lớn. Diễn biến phiên 11/5 tiếp tục biến động khi chỉ có lúc rơi hơn 15 điểm trong buổi sáng nhưng lại hồi phục nhanh về cuối phiên.
Trong một bài phát biểu trong sáng 11/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng thị trường chứng khoán gần đây thiếu ổn định, một số những phiên giao dịch theo kiểu "sáng mưa, chiều nắng". Ông đặt vấn đề thị trường gần đây bất thường, không ngày nào ổn định như thế, có yên tâm được không.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, VN-Index tăng 7,97 điểm (0,62%) lên 1.301,53 điểm (tức tăng hơn 23 điểm từ vùng thấp nhất ngày). Như vậy sau 2 phiên hồi phục thì chỉ số chính đã lấy lại mốc tâm lý quan trọng 1.300 điểm.
Tại thị trường Hà Nội, bộ chỉ số HNX-Index kết thúc ngày tăng 3,02 điểm (0,92%) đạt trên 333 điểm. UPCoM-Index
VN-Index lại đảo chiều tăng điểm để lấy lại mốc 1.300 điểm. Đồ thị: TradingView.
Cổ phiếu đầu cơ tiếp tục có phiên hồi phục ấn tượng khi hàng loạt mã lại kết phiên trong sắc tím. Với nhóm FLC Group thì ROS tăng hết biên độ lên 5.160 đồng khi có cổ đông lớn mới xuất hiện. Ngoài ra ART tăng trần 10%, FLC và KLF cũng tăng sát giá trần.
Các mã thuộc họ Apec vẫn bứt phá sau thông tin lãnh đạo gom cổ phiếu. Trong đó APS tăng kịch trần 10% lên 18.800 đồng, IDJ có thêm 8,8% và API tăng 6,7% trong ngày.
Một số cổ phiếu bất động sản cũng tăng hết biên độ như DIG tăng trần lên 56.700 đồng, CEO và L14 cùng bứt phá tối đa 10% đạt lần lượt 36.300 đồng và 154.200 đồng. Cổ phiếu liên quan DNP Corp ghi nhận NVT và VC9 tăng kịch trần. BII trong họ Louis tăng lên sát giá trần tại 6.800 đồng...
Nhóm vốn hóa lớn như thường lệ vẫn có đóng góp quan trọng vào xu hướng chung. Rổ VN30 hôm nay tăng 4,36 điểm (0,32%) với 16/30 mã tăng giá.
Trong đó nổi bật là mã CTG của VietinBank bứt tốc 6% lên mức 26.700 đồng, trở thành mã có đóng góp tốt nhất cho chỉ số. Tiếp đến là BCM của Becamex tăng vọt 5,7% đạt 84.700 đồng và FPT tăng 3,6% lên 101.900 đồng.
Một số mã khác cũng có đóng góp ấn tượng cho chỉ số như bộ đôi VHM (Vinhomes) tăng 0,9% và VRE (Vincom Retail) tăng 2,8%. Thêm nữa EIB của Eximbank, REE của REE Corp tăng kịch trần.
Ở chiều ngược lại, MSN của Masan Group là mã gây ra tác động tiêu cực nhất lên thị trường khi giảm giá 3,6% về 111.900 đồng. Kế đến là VNM của Vinamilk mất 1,6% xuống 69.500 đồng và HPG của Hòa Phát giảm 1,1% còn 40.650 đồng.
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất lên thị trường. Nguồn: VNDirect.
Độ rộng thị trường ngày hôm nay tiếp tục nghiêng về bên mua. Toàn sàn có tổng cộng 682 mã tăng giá, 282 mã giảm giá và 143 mã giao dịch tại mức tham chiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài lại quay đầu giao dịch tiêu cực trong phiên tăng điểm. Họ mua vào 1.286 tỷ và bán ra 1.367 tỷ, tương đương bán ròng 82 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị bán nhiều là VNM và chứng chỉ quỹ FUEVFVND.
Thanh khoản thị trường tiếp tục là xu hướng tiêu cực khi ngày càng teo tóp, tổng giá trị giao dịch trên toàn sàn chỉ đạt 13.017 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh trên HoSE giảm 10.294 tỷ đồng, giảm 35% so với hôm qua và là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Thực té diễn biến đảo chiều của thị trường trong nước cũng đang tương đồng với quốc tế. Ranh giới giữa tăng và giảm điểm tương đối mỏng manh trong phiên giao dịch gần đây.
Dow Jones hôm qua có lúc vọt lên hơn 500 điểm so với lúc tham chiếu nhưng có thời điểm lại rớt tới 350 điểm và kết phiên vẫn còn giảm 85 điểm. Trong khi đó S&P 500 và Nasdaq hồi phục nhẹ sau “cơn bão” bán tháo của nhà đầu tư.
“Chúng ta đang ở trong một giai đoạn khó khăn để có thể có được một phiên tăng điểm. Điều đó không có gì là bất ngờ trước xu hướng giảm điểm chung của toàn thị trường trong thời gian gần đây, và tôi cho rằng chúng ta sẽ thường xuyên được nhìn thấy sự biến động mạnh như thế này trong thời gian tới”, ông Paul Hickey, tới từ Bespoke Investment Group phát biểu trong chuyên mục “TechCheck”.