Sau một phiên giảm hơn 43 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến áp lực ở mức cao, trong khi đó những người cầm tiền thận trọng ở vào thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần.
Sự chênh lệch cung cầu khiến cho các cổ phiếu tiếp tục giảm sâu, nhiều mã giảm 30-40% trong 5-6 phiên vừa qua.
Sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) ghi nhận 339 mã giảm (trong đó 90 mã giảm sàn, hết biên độ cho phép) trong khi chỉ có 135 mã tăng. HNX có 197 mã giảm (59 giảm sàn) và chỉ có 48 mã tăng.
Chốt phiên chiều 18/1, VN-Index giảm 13,9 điểm xuống 1.438,94 điểm. HNX-Index giảm 24,13 điểm xuống 421,21 điểm. Upcom-Index giảm 1,89 điểm xuống 107,47 điểm. Thanh khoản đạt 26,7 nghìn tỷ đồng, trong đó trên sàn HOSE đạt 23 nghìn tỷ đồng.
HNX30-Index giảm mạnh 44,18 điểm xuống 738,74 điểm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản và “họ FLC” tiếp tục chuỗi ngày giảm sàn kéo dài từ tuần trước. Cổ phiếu FLC giảm hết biên độ cho phép phiên thứ 6 liên tiếp từ mức trên 24.000 đồng/cp sáng 10/1 xuống 13.950 đồng vào cuối giờ chiều 18/1 với dư bán sàn lên tới hơn 46 triệu đơn vị và dư bán ATC hơn 15 triệu đơn vị.
VN-Index tiếp tục giảm mạnh, về dưới ngưỡng 1.440 điểm
Cổ phiếu Xây dựng Faros (ROS) của ông Trịnh Văn Quyết giảm sàn 7% xuống 9.770 đồng/cp với dư bán sàn 74,5 triệu đơn vị và dư bán ATC 22 triệu đơn vị.
Cổ phiếu CII của Công ty Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, trùm đất Thủ Thiêm CII trải qua phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp từ mức 46.650 đồng/cp xuống còn 39.550 đồng/cp khi kết thúc phiên 18/1 với dư bán sàn còn gần 21 triệu đơn vị và dư bán ATC 7,5 triệu đơn vị.
Cổ phiếu “họ FLC” như AMD, HAI, KLF, ART tiếp tục giảm hết biên độ cho phép. KLF và ART trên sàn chứng khoán Hà Nội giảm nhanh hơn với -10%.
Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục giảm sàn sau cú sốc Tân Hoàng Minh bỏ cọc, rút khỏi thương vụ mua 2,4 tỷ đồng/1m tại Thủ Thiêm.
Hiện tượng bán tháo xảy ra ở vào thời điểm này giống như đã từng xảy ra hồi giáp Tết Nguyên đán năm ngoái. Dòng cổ phiếu chứng khoán cũng giảm sâu giống như cách đây một năm khi mà các nhà đầu tư bán bằng mọi giá.
Tuy nhiên, ở vào thời điểm cách đây 1 năm, giá đa số cổ phiếu ở mức thấp hơn nhiều. Dòng cổ phiếu chứng khoán chủ yếu ở mức 1x, 2x. Ở vào thời điểm hiện tại, nhiều mã cổ phiếu chứng khoán có giá 3x, 4x, thậm chí có mã 6x như VND.
Áp lực bán không chỉ dừng lại ở các mã hàng nóng, hàng đầu cơ, nhóm hàng “họ FLC” ảnh hưởng từ cú bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, hay nhóm cổ phiếu bất động sản có liên quan tới đất Thủ Thiêm mà lan sang cả các nhóm khác.
Nhiều cổ phiếu trụ cột, blue-chips trên sàn chứng khoán cũng giảm mạnh, với những mã như Vingroup, Hòa Phát, Chứng khoán SSI, Bảo Việt, Vinhomes, Chứng khoán HCM...
Ở chiều ngược lại, một số nhà đầu tư cho rằng, giảm là cơ hội để mua được những cổ phiếu có triển vọng ở mức giá thấp hơn, có thể đi “đãi cát tìm vàng” khi thị trường giảm mạnh.
Trên thực tế, nhiều mã trụ cột thuộc nhóm VN30 đã tăng khá mạnh trở lại, qua đó giúp chỉ số VN-Index không giảm sâu. Nhiều mã tăng mạnh trong phiên 18/1, như GAS (+2.400 đồng), Vietcombank (+1.400 đồng), BIDV (+1.250 đồng), Sacombank (+1.300 đồng), VietJet (+4.000 đồng).
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) cho rằng triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá tốt. Sau điều chỉnh giảm, thị trường có thể tăng lại vào thời điểm sau Tết.
Báo cáo của một số CTCK cho rằng, cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022. Tuy nhiên, thị trường sẽ phân hóa hơn và dòng tiền vào thị trường sẽ chọn lọc hơn khi chảy vào các mã cổ phiếu.