Vụ án Dương Thị Bạch Diệp: Luật sư chỉ ra nhiều mâu thuẫn

Sau khi chỉ ra nhiều mâu thuẫn về thời gian công chứng hợp đồng thế chấp (HĐTC) và thời gian trong tờ trình tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo… vô tội.

Phòng Công chứng Nhà nước số 1… chứng thực khống?

Trong phần tranh luận của các luật sư bào chữa, bảo vệ cho các bị cáo, căng thẳng nhất vẫn là việc bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương). Luật sư Phan Trung Hoài thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, đã chỉ ra nhiều mâu thuẫn trong việc chứng thực hợp đồng công chứng, việc ký hợp đồng thế chấp (HĐTC) giữa bị cáo Diệp với Agribank TP Hồ Chí Minh đối với tài sản số 57 Cao Thắng, phường 3, quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Nguyễn Thành Tài, Đào Anh Kiệt tại phiên tòa (Thứ 2 từ phải sang).

Cụ thể, luật sư Phan Trung Hoài khẳng định với những tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, các vấn đề yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung của Hội đồng xét xử (HĐXX) vào tháng 3/2021, các luật sư cho rằng cáo trạng của Viện KSND Tối cao và phần luận tội của đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh được ủy quyền thực hiện quyền công tố tại phiên tòa là hoàn toàn không đủ căn cứ.

Luật sư Hoài khẳng định việc hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng của bà Diệp với nhà đất số 185 Hai Bà Trưng của Nhà nước, vào thời điểm hoán đổi không ai yêu cầu bà Diệp phải nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) số 313 ngày 15/12/2008, cũng như không buộc bà Diệp phải “Thông báo hoặc cung cấp thông tin về việc đã thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng”.

Theo hồ sơ vụ án, nếu xác định công ty của bà Diệp đã thế chấp tài sản 57 Cao Thắng, và có đăng ký giao dịch đảm bảo với Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở TN&MT, thông tin này công khai từ ngày 31/12/2008 và từ 4/1/2011 là hoàn toàn có thể kiểm tra được, thì cơ quan phê duyệt hoán đổi nhà đất là UBND thành phố cùng với các Sở, ban ngành phải có nghĩa vụ nắm được việc thế chấp.

Trong suốt quá trình điều tra, các luật sư nhận thấy kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng bà Diệp không hợp tác, khai báo gian dối là không thỏa đáng, vì cơ sở pháp lý buộc tội không vững chắc. Bởi lẽ, tại điểm d, khoản 2, điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định một trong những quyền của bị can là “Không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Bà Diệp đã khai báo đầy đủ quá trình vụ việc, việc kết tội bà Diệp hay không là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, không thể chỉ vì bà Diệp không nhận tội thì bị coi là khai báo gian dối.

Chứng từ giữa bị cáo Diệp với Agribank là “giả cách”

Cũng theo luật sư Phan Trung Hoài, quan hệ thế chấp tài sản của Công ty Diệp Bạch Dương không làm mất đi tư cách chủ sở hữu; Đồng thời đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý. Hiện UBND thành phố đã xác lập sở hữu Nhà nước đối với nhà đất 57 Cao Thắng và 185 Hai Bà Trưng, thực tế tài sản 57 Cao Thắng hiện nay do Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố đang quản lý, sử dụng hiệu quả từ nguồn tiền gần 30 tỷ đồng của Công ty Diệp Bạch Dương đầu tư. Do đó, cáo trạng cho rằng Nhà nước đã mất quyền sở hữu nhà đất 185 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 186 tỷ đồng là không có căn cứ.

Vào ngày 29/11/2016, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Viện KSND Tối cao làm việc với Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về nội dung xem xét, khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật. Thanh tra Chính phủ có báo cáo 184/BC-TTCP về việc vay vốn của Công ty Diệp Bạch Dương tại Agribank TP Hồ Chí Minh, nội dung: “Có dấu hiệu vi phạm các quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 179, 140 Bộ luật Hình sự năm 1999”.

Luật sư Hoài, khẳng định: “Đến thời điểm hiện nay, từ kết quả thẩm tra, đánh giá chứng cứ công khai tại phiên tòa có căn cứ các giao dịch tín dụng và thế chấp tài sản giữa Agribank TP Hồ Chí Minh và Công ty Diệp Bạch Dương vào ngày 31/8/2008, kèm theo là các chứng từ giấy lĩnh vàng, thông báo nhận nợ là “giả cách”, không đúng sự thật, che dấu bản chất sự việc công ty của bà Diệp không nhận bất cứ lượng vàng nào mà Agribank giải ngân bằng tiền cho Công ty Diệp Bạch Dương thanh toán các khoản nợ tại SeaBank và Agribank nhận lại các tài sản mà cá nhân bà Diệp cùng công ty của bà đang thế chấp tại Seabank. Nói cách khác, vụ án này không chỉ liên quan việc hoán đổi tài sản 57 Cao Thắng và 185 Hai Bà Trưng, mà còn liên quan việc hoán đổi công nợ của công ty bà Diệp với tài sản đảm bảo giữa Agribank và SeaBank, dẫn đến việc lập hồ sơ tín dụng, HĐTC, chứng từ nhận vàng, báo nợ… đều không đúng bản chất sự thật”.

Luật sư đề nghị HĐXX căn cứ nguyên tắc suy đoán vô tội

Cũng theo luật sư Hoài, trong vụ án này Viện KSND Tối cao tách hành vi “Vi phạm quy định về cho vay” liên quan đến quan hệ công nợ còn tồn đọng giữa Công ty Diệp Bạch Dương với Agribank TP Hồ Chí Minh chưa được xem xét, đã làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Đặc biệt là quá trình thế chấp tài sản số 57 Cao Thắng có dấu hiệu bà Diệp bị ép buộc, không phải là tài sản đảm bảo cho hợp đồng tín dụng cụ thể nào. Quan hệ tín dụng nếu phát sinh tranh chấp phải được giải quyết bằng Luật Dân sự.

Đối với tài sản số 57 Cao Thắng, hiện Nhà nước đã xác lập và hoàn toàn có đầy đủ tư cách chủ sở hữu, không phụ thuộc vào việc Công ty Diệp Bạch Dương đã giải chấp hay chưa. Trong trường hợp này, tài sản số 185 Hai Bà Trưng đã được hoán đổi và Công ty Diệp Bạch Dương đã và có quyền thế chấp cho tổ chức tín dụng khác để bảo đảm nợ vay.

Từ những nhận định nêu trên, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đề nghị HĐXX xem xét lại bản chất vụ án, hành vi của bị cáo Diệp. Cụ thể, luật sư Hoài đề nghị HĐXX xem xét thận trọng, khách quan, có hay không giá trị đích thực của các tài liệu, chứng cứ liên quan Agribank giải ngân thanh toán các khoản nợ của Công ty Diệp Bạch Dương tại Seabank để nhận lại các tài sản thế chấp do Seabank nắm giữ. Vì thực chất không có việc công ty của bà Diệp giao dịch nhận vàng và đưa tài sản 57 Cao Thắng vào làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 8.700 lượng hay bất cứ HĐTD nào khác.

Luật sư Hoài cũng đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá bản chất hành vi của bị cáo Diệp là không đủ căn cứ kết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, để từ đó căn cứ nguyên tắc suy đoán vô tội tuyên bị cáo Diệp không phạm tội, trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa…