Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.
Cùng đó, C03 - Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can đối với ông Phan Quốc Việt (SN 1980) - người sáng lập, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á - để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá kit test Covid-19 .
Kết quả điều tra của Cơ quan điều tra cho biết Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Bước đầu, C03 làm rõ ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, đã nhận gần 30 tỉ đồng "lót tay" từ ông Phan Quốc Việt.
Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt - Ảnh: Bộ Công an
Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.
Công ty Việt Á được thành lập vào năm 2007, có trụ sở chính tại TP HCM, vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ với 80 triệu đồng. Công ty chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử và tự giới thiệu có đội ngũ cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực sinh học phân tử.
Đây cũng là nhóm đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật Realtime PCR (là một kỹ thuật thí nghiệm sinh học phân tử dựa trên phản ứng chuỗi polymerase) và lai phân tử.
Tháng 4-2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Thời điểm này, ông Phan Quốc Việt cho biết năng lực sản xuất của Công ty khoảng 10.000 bộ kit/ngày, con số này có thể gấp 3 – 4 lần khi cần. Giá của mỗi bộ kit từ 400.000 – 600.000 đồng/test.
Những ngày qua dư luận đặt câu hỏi tại sao Công ty Việt Á lại có thể "thổi giá" kit xét nghiệm Covid-19 suốt thời gian dài?
Trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 10-11 về việc giá vật tư y tế, đặc biệt là giá kit xét nghiệm Covid-19 thời gian qua rất khác nhau, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cho biết các trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của Luật Giá.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn nhóm vấn đề y tế- Ảnh: VGP
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trước đây, chúng ta có rất ít mặt hàng được cấp phép. Sau khi các doanh nghiệp ở tất cả các nước trên thế giới đều tăng cường sản xuất, cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã thực hiện cấp phép cho 131 sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán, trong đó 60 loại test nhanh, 43 test Realtime RT-PCR; 28 xét nghiệm kháng thể. Về tăng cường vận động tài trợ, hỗ trợ từ các nước, đến nay, chúng ta đã vận động tài trợ trên 50 triệu test.
Riêng TP HCM ngoài phần của Trung ương phân bổ, đã được các doanh nghiệp, cộng đồng hỗ trợ 14,4 triệu test. Về cơ bản, chúng ta sử dụng test của các nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ. Các địa phương cũng tiến hành đấu thầu nhưng không nhiều.
Giá của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng khác nhau, các nước sản xuất khác nhau, giữa các trang thiết bị y tế và sinh phẩm khác nhau cũng có giá khác nhau qua các thời điểm.
"Ngay với các trang thiết bị y tế và sinh phẩm cũng có khác nhau qua các thời điểm. Có những thời kỳ, cung ít mà cầu rất nhiều, vì vậy giá thành cao hơn. Đầu năm 2020, giá khẩu trang, găng tay cũng tương tự. Hoặc trong thời điểm ban đầu, máy thở khan hiếm trên thị trường đã đẩy giá lên cao và tất cả các quốc gia đều có tình trạng tranh mua mặt hàng này. Thời gian qua, do nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường nên cũng đã hạ giá đối với các mặt hàng này"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải thích.
Kit xét nghiệm Covid-19 có giá thế nào?
Theo Danh sách các sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-C0V-2 đã được cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu và khả năng cung ứng, giá bán do đơn vị cung ứng công bố mà Bộ Y tế cập nhật đến ngày 2-7-2021, sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền virus SARS-CoV-2 do công ty trong nước sản xuất có 5 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm của Công ty Việt Á.
Cụ thể, bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện RNA của virus corona (SARS-CoV-2) LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR (phát hiện vùng gen N đặc trưng của virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real RT-PCR trên các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp) do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất có giá 470.000 đồng/test.
Bên cạnh báo giá cũng ghi chú: giá 470.000 đồng/test đối với đơn hàng dưới 500.000 test, giá 367.000 đồng/test đối với đơn hàng từ 500.000 test đến 1 triệu test; giá 315.000 đồng đối với đơn hàng từ 1 triệu đến 5 triệu test và giá 220.000 đồng/test với đơn hàng từ 5 triệu test trở lên.
Theo quy định, Công ty Việt Á đã công khai báo giá 470.000 đồng/ test trên cổng thông tin điện tử của Bộ.
Hai sản phẩm tương tự của Công ty Việt Á và Công ty cổ phần Sao Thái Dương có giá chênh nhau tới 170.000 đồng/tes - Ảnh chụp màn hình
Cũng trên trang này, bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện RNA của virus corona (SARS-CoV-2) (phát hiện vùng gen N đặc trưng của virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real RT-PCR trên các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp) do Công ty Cổ phần Sao Thái Dương công khai có giá 300.000 đồng/test.
Như vậy, theo bảng kê khai, 2 bộ xét nghiệm do Việt Nam sản xuất với tác dụng, phương pháp như nhau nhưng đã có giá thành chênh lệch đến 170.000 đồng/test.
Liên quan đến giá xét nghiệm Covid-19, mới đây Bộ Y tế cho biết cơ quan này cố gắng từng bước minh bạch hóa việc cung ứng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
Tháng 7-2020, Bộ đã yêu cầu tất cả các công ty có kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế phải công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Đến nay, đã có 69.235 sản phẩm, 93.253 kết quả đấu thầu được niêm yết giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm...
Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu test kit, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường vận động doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm… phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Xét nghiệm Covid-19 cho người dân
Bộ Y tế cũng có hướng dẫn về điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả; liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Y tế cho biết bộ này và các cơ quan liên quan đang làm việc chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bình ổn giá trong trường hợp cần thiết đối với mặt hàng này.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết vấn đề đấu thầu, mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế đã được đề nghị đưa vào chương trình thanh tra, kiểm tra năm 2022.
Đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng phải kê khai giá.
Ngày 8-11, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, thay đổi hoạt động cấp phép lưu hành từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chú trọng thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính, đồng thời bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế, theo đó trang thiết bị y tế là mặt hàng phải kê khai giá và cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (không chỉ Bộ Y tế) được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.
Việc bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm sẽ xác định cụ thể chủ thể chịu trách nhiệm về giá bán trang thiết bị y tế trên thị trường và chủ thể này phải minh bạch toàn bộ thông tin về giá trang thiết bị y tế mà mình kinh doanh.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.