Vụ đê sông Hồng bị nứt: 2 viện thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là tư vấn thiết kế và tư vấn thẩm tra

Với sự hiện diện của 2 đơn vị hàng đầu về khoa học đê điều, thủy lợi ở Việt Nam nhưng đê vẫn nứt, cơ quan chức năng phải lao tâm khổ tứ lo cho an toàn của hàng triệu người dân Hà Nội, chủ đầu tư chôn vùi hàng chục tỷ đồng, tiến độ cấp nước bị ảnh hưởng đang khiến dư luận bất ngờ.

Hồ sơ hạng mục công trình thu, trạm bơm nước thô thuộc dự án nhà máy nước mặt sông Hồng của Công ty CP nước mặt sông Hồng cho thấy, tư vấn thiết kế là Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo, tư vấn thẩm tra là Viện Thủy công. Hai đơn vị này đều trực thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng liên quan thì 2 đơn vị nêu trên là những tên tuổi đầu ngành trong lĩnh vực khoa học thủy lợi ở Việt Nam. Các tính toán, lập luận và khẳng định của 2 viện này là cơ sở tiên quyết để chủ đầu tư là Công ty CP nước mặt sông Hồng, Sở NN&PTNT TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT và sau đó cấp phép cho xây dựng trạm bơm.

Cụ thể, trong nhiều văn bản mà Sở NN&PTNT Hà Nội trình UBND TP Hà Nội, gửi Bộ NN&PTNT đều thể hiện nội dung: Công ty CP nước mặt sông Hồng đã ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi thực hiện tính toán, thẩm tra, cụ thể như sau:

Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo thực hiện việc tính toán, lựa chọn giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn đê điều và công trình, không gây xói lở bờ sông và cản trở thoát lũ, không ảnh hưởng đến hoạt động của công trình thủy lợi lân cận.

Viện Thủy công, thực hiện việc thẩm tra, trong đó khẳng định "Hồ sơ tính toán kỹ thuật, giải pháp công trình phù hợp, đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống lụt bão".

Tuyến đê vừa được Bộ NN&PTNT chi 300 tỷ đồng để nâng cấp đã bị nứt do hạng mục thi công của dự án nhà máy nước mặt sông Hồng.

Từ các cơ sở này, ngày 2/7/2020, lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Hà Nội ký tờ trình số 2060/SNN-ĐĐ gửi UBND TP Hà Nội về việc cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều cho hạng mục công trình thu và trạm bơm nước thô thuộc dự án nhà máy nước mặt sông Hồng.

Tiếp đó, ngày 23/20/2020, Sở NN&PTNT TP Hà Nội gửi văn bản số 3420/SNN-ĐĐ bổ sung hồ sơ thỏa thuận cấp phép xây dựng công trình thu, trạm bơm nước thô cho dự án. Văn bản này một lần nữa nhắc lại khẳng định của Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo cũng như thẩm tra của Viện Thủy công như nội dung nêu trên.

Dựa trên kiến nghị của Sở NN&PTNT TP Hà Nội, ngày 23/12/2020, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã ban hành văn bản thỏa thuận cấp phép thi công công trình thu và trạm bơm nước thô của dự án.

Sau đó, này 04/01/2021, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký quyết định số 20/QĐ/UBND cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều cho công trình thu và trạm bơm nước thô cho dự án nhà máy nước mặt sông Hồng.

Điều đáng buồn là khi hạng mục thi công nêu trên làm chưa được bao nhiêu thì đã gây ra sự cố nghiêm trọng là nứt tuyến đê trọng yếu vừa được Bộ NN&PTNT đầu tư 300 tỷ đồng để nâng cấp.

Câu hỏi về nguyên nhân gây ra là do tư vấn thiết kế, do thi công hay vì yếu tố nào khác đang được TP Hà Nội điều tra, làm rõ.

Thực tế này đang đặt ra câu hỏi liệu các thiết kế, tính toán, thẩm tra của các đơn vị thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam có thực sự chuẩn? Trả lời câu hỏi này, đại diện Sở NN&PTNT TP Hà Nội cho rằng, kết quả chính xác sẽ có sau khi đoàn kiểm tra của thành phố kết thúc và đưa ra kết luận.

Về phía các cơ quan chức năng liên quan, sau khi Báo Gia đình và Xã hội phản ánh vụ đê sông Hồng bị nứt thì đã có những phản hồi ban đầu. Đại diện Sở NN&PTNT TP Hà Nội cho biết: "Sở NN&PTNT Hà Nội là đơn vị quản lý nhà nước thì chỉ biết dựa trên cơ sở các quy định, thẩm định, đề xuất, tính toán của các đơn vị chuyên ngành do chủ đầu tư thuê.

Các đơn vị chuyên ngành (Viện thủy điện và năng lượng tái tạo và Viện Thủy công - PV) cũng toàn là các đơn vị đầu ngành về lĩnh vực thủy lợi ở Việt Nam. Từ tính toán của các đơn vị nêu trên, Sở đã báo cáo lại Tổng cục Phòng, chống thiên tai để đơn vị này cho ý kiến.

Tuy nhiên, trong tính toán và quá trình thi công cũng có những cái bây giờ chưa thể khẳng định được nguyên nhân chính xác gây ra sự cố là do khâu nào. Hiện chỉ mới nắm được nguyên nhân ban đầu là do quá trình thi công trạm bơm nước thô và để biết đích xác là do đơn vị thi công hay do thiết kế hay do nguyên ngân nào khác thì TP Hà Nội phải thành lập tổ đánh giá và đưa ra kết luận".

Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin về các diễn biến mới của vụ việc này.