WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát Covid-19 thảm khốc ở Trung Đông

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 14/7 cảnh báo các nước Trung Đông về một đợt bùng phát Covid-19 mạnh mẽ do tình trạng khan hiếm vaccine cùng với sự lây lan của biến chủng Delta.

Sau khi ghi nhận số người nhiễm bệnh và tử vong do Covid-19 giảm dần trong 8 tuần qua, văn phòng khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO đã đưa ra cảnh báo đối với một số quốc gia Trung Đông như Iran, Iraq, Lybia và Tunisia khi số ca nhiễm tại các nước này tăng mạnh trong những ngày qua. Ngoài ra, Lebanon và Morocco cũng đứng trước nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 mới theo cảnh báo trên.

Theo Reuters, nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 mới tại khu vực Trung Đông càng lớn hơn khi ngày hội Eid al-Adha của người Hồi giáo sắp đang đến gần. Ngày hội này thường bao gồm những lễ hội tôn giáo và các sự kiện tụ tập đông người, tạo ra điều kiện lý tưởng cho sự lây lan của dịch bệnh.

Trung Dong co the vo tran do lan song Covid-19 moi anh 1

Lễ Eid al-Adha, ngày lễ lớn thứ 2 của người Hồi giáo, có thể sẽ tạo nên một đợt bùng phát Covid-19 mới ở khu vực Trung Đông. Ảnh: AP.

Bên cạnh ngày lễ Eid al-Adha sắp tới, WHO cũng lo ngại rằng tỉ lệ tiêm vaccine thấp, sự chủ quan của người dân trong khu vực cùng với sự lây lan của hàng loạt biến thể mới như biến thể Delta sẽ làm tình hình dịch bệnh tại Trung Đông ngày càng trầm trọng.

"WHO lo ngại rằng làn sóng Covid-19 tại Trung Đông sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng trong những tuần tới, có thể để lại những hậu quả khôn lường cho khu vực", theo một tuyên bố của WHO.

Để minh chứng cho lời cảnh báo của mình, WHO đã trích dẫn số liệu về tình hình dịch bệnh ngày càng xấu đi của một số quốc gia trong khu vực. Theo đó, tại Tunisia, tỉ lệ tử vong do Covid-19 trên đầu người tại quốc gia này đang ở mức cao nhất tại châu Phi. Tại Iran, số ca nhiễm hàng ngày của quốc gia này đã tăng gấp đôi so với một tháng trước.

Tính tổng thể, số ca mắc Covid-19 tại khu vực Đông Địa Trung Hải, trong đó bao gồm Pakistan, Afghanistan và các quốc gia Trung Đông khác được WHO ghi nhận đã đạt đến con số 11,4 triệu người, trong đó có 223.000 người đã tử vong do virus.