Xăng dầu ‘hạ nhiệt’ nhưng áp lực chi phí vẫn đè nặng doanh nghiệp

12/08/2022 17:00

Dù giá xăng dầu trong nước đã giảm về mức tương đương với thời điểm tháng 10/2021, tuy nhiên những khó khăn về chi phí đầu vào với các doanh nghiệp chưa giảm, thậm chí đang là áp lực chính đè nặng lên “vai” doanh nghiệp. Thách thức về sự gia tăng hàng loạt các chi phí là điều mà doanh nghiệp vẫn tiếp tục quan ngại trong quý III/2022, nhất là khi chỉ số chi phí của doanh nghiệp vẫn neo ở mức cao.

Chiều ngày 11/8, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm từ 900 - 1.210 đồng/lít. Đây là lần giảm giá thứ 5 liên tiếp từ cuối tháng 6 đến nay, đưa giá mặt hàng này về tương đương hồi tháng 10/2021. Tuy nhiên, tại Hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp vừa diễn ra, một trong những nhóm khó khăn chính được các doanh nghiệp (DN) đưa ra là áp lực chi phí đầu vào.

Cước vận tải tăng phi mã, hàng Việt lép vế cạnh tranh

Năm nay, ngành thủy sản có thể vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD và tăng khoảng 12-15% so với năm 2021. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chia sẻ đang có quá nhiều khó khăn bủa vây DN.

ap-luc-chi-phi-1660274972.png Áp lực chi phí đầu vào vẫn tiếp tục là mối quan ngại của doanh nghiệp trong quý III/2022.

Dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản khả quan nhưng các DN đang lo ngại về chi phí sản xuất tăng cao khiến giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Đầu tiên là vấn đề thức ăn chăn nuôi, trung bình hiện nay, đặc biệt sau dịch, đã tăng khoảng 20%. Giá thành thức ăn chăn nuôi của sản phẩm cá tra, tôm đang chiếm 65-70%, tác động chi phối rất lớn.

Cùng với đó, chi phí vận tải biển và nhân công tăng trong 2 năm qua với các lý do liên quan đến dịch, liên quan đến ách tắc và bây giờ liên quan đến giá nhiên liệu tăng, nên hiện nay vẫn đang giữ ở mức cao. Bờ Tây Mỹ hiện đang ở mức 400 triệu đồng cho một container, đến châu Âu cũng tăng đến 4 lần từ 10.000-12.000 USD. Các chi phí đầu vào khác như bao bì, hóa chất, vận chuyển, hội nhập… đều tăng.

“Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng DN, trong đó có thủy sản, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi”, ông Nam đề nghị.

Tương tự, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu là chủ yếu nên những biến động của địa chính trị thế giới tác động rất lớn. Xung đột giữa Nga - Ukraine cũng khiến nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển cũng tăng rất cao.

Điều này cho thấy khó khăn về chi phí logistics đang là nỗi lo lớn của nhiều DN, song ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, phân trần qua đợt khủng hoảng giá cước (tăng gấp 5-7 lần), thì lợi nhuận “rơi vào túi" các hãng vận tải biển của nước ngoài. Rõ ràng, Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều trong vấn đề này nên việc đẩy mạnh đội tàu, trong đó có container là rất quan trọng.

Về phát triển một số hoạt động liên quan đến vận tải đường bộ, Hiệp hội DN Logistics Việt Nam, đánh giá Chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ hết sức, ví dụ như bình ổn giá xăng dầu. DN logistics đánh giá rất cao nỗ lực và kết quả đạt được trong điều hành của Chính phủ vừa qua. Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục duy trì và đảm bảo giá xăng dầu ổn định như hiện nay, ít nhất cho tới quý II/2023.

Vấn đề quan ngại trong quý III/2022

Theo báo cáo từ Bộ KH&ĐT, việc giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Giá xăng dầu dù "hạ nhiệt" nhưng vẫn ở mức cao đồng thời cũng làm tăng chi phí vận chuyển, logistics nội địa, tạo áp lực tăng giá và lạm phát trong nước. Trong khi đó, giá đầu ra chưa tăng hoặc tăng cầm chừng do cần kích cầu, thu hút khách hàng sau khi mở cửa nền kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề đến lợi nhuận của DN, dẫn đến thiệt hại tài chính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN.

Đối với DN xây dựng, giá nguyên liệu tăng dẫn đến giá thành gói thầu tăng từ 18-30% theo từng thời điểm, kết quả “càng làm càng lỗ”. Các DN  xuất nhập khẩu như da giày, dệt may, thủy sản... lại chịu áp lực từ chi phí logistics (vận tải biển) tăng cao từ 3 - 5 lần, khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào.

Các khó khăn nêu trên làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực còn hạn chế, chưa hồi phục được quy mô như mức trước dịch Covid-19, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đồng thời, tạo hệ lụy đến nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội như: nhà thầu trong nước có xu hướng không nhận thầu công trình đầu tư công mà tìm kiếm gói thầu ở các dự án FDI.

Bên cạnh đó, thiếu hụt nhân công thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư và lâu dài là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; ngư dân đánh bắt thủy sản không ra khơi do doanh thu không đủ bù chi phí xăng dầu, làm giảm sản lượng khai thác thủy sản và ảnh hưởng đến chủ quyền biển, đảo của nước ta...

Qua khảo sát nhanh các DN, Bộ KH&ĐT cho biết có sự gia tăng về doanh thu nhưng điểm đáng quan ngại là mức độ tăng về các chi phí của DN (đặc biệt là chi phí logistics, chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vốn) trong quý II/2022 so với quý liền trước và cùng kỳ năm ngoái đang ở mức cao hơn so với mức độ tăng về doanh thu trong quý II/2022. Thách thức về sự gia tăng hàng loạt các chi phí là điều mà DN vẫn tiếp tục quan ngại trong quý III/2022, khi chỉ số chi phí của DN vẫn neo ở mức cao.

Trước thực tế trên, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện trình Chính phủ phương án giảm thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu; tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo, phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khoá với các chính sách vĩ mô khác và triển khai hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của giá xăng dầu như hỗ trợ ngư dân bám biển, hỗ trợ DN vận tải, người thu nhập thấp; Khẩn trương nghiên cứu, báo cáo về đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Bộ Công Thương tăng cường theo dõi, đề nghị các đầu mối bán lẻ xăng dầu thực hiện đúng quy định về dự trữ lưu thông, không để thiếu nguồn cung mặt hàng xăng dầu; chủ động tính toán, có giải pháp để tự chủ nguồn cung trong nước…

Về những kiến nghị giảm chi phí cho DN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho rằng Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực năng lượng, nghiên cứu sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, đề xuất phương án tính giá điện đối với các cơ sở lưu trú du lịch bằng với giá điện sản xuất; Hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt các Chiến lược than, năng lượng…; Tổ chức thực hiện tốt Chiến lược phát triển dệt may, da giày sau khi được Chính phủ phê duyệt.

Phối hợp với các bộ, ngành tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho DN, đẩy nhanh các thủ tục hoàn thuế VAT, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận C/O… thông qua việc ứng dụng số hóa nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN.

“Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm các cân đối lớn, cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, phân bón, điện, than… với giá cả phù hợp hỗ trợ phát triển của DN. Theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá phù hợp. Hỗ trợ các DN trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất”, Bộ trưởng Công Thương khẳng định.

Lắng nghe các ý kiến phát biểu, phản ánh của DN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn, thách thức chính mà các DN đang phải đối mặt như sức ép lạm phát, giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục hỗ trợ DN nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

Bạn đang đọc bài viết "Xăng dầu ‘hạ nhiệt’ nhưng áp lực chi phí vẫn đè nặng doanh nghiệp" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP - DOANH NHÂN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#