Trong tuần qua, những dòng thông tin về giá xăng tiếp tục tăng nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Nỗi khốn khó len vào từng bữa cơm
“Giá xăng tăng 3-4 lần liên tiếp khiến mọi thứ kéo theo đều tăng. Giờ đi xe ôm công nghệ cùng đoạn đường như trước mà tiền có khi gấp đôi. Những bà nội trợ cầm 100.000 đồng đi chợ lại không biết mua gì cho đủ bữa ăn bởi thứ gì cũng tăng giá. Nếu có thắc mắc giá cả đắt đỏ thì lúc nào cũng nhận được câu trả lời do giá xăng tăng. Vật giá tăng như vậy thì khó khăn cho người lao động quá vì lương không tăng” - bạn đọc Nguyễn Văn Hào.
Chị TTNR (công nhân ở trọ tại phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM) nấu một nồi thức ăn để dành cất tủ lạnh, ăn thành nhiều bữa để tiết kiệm. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
“Tôi là một công nhân, ở nhà thuê, lương đủ sống. Hơn một năm nay, mức lương của tôi chỉ đứng yên tại chỗ. Vậy mà tiền trọ tăng, chi phí cho bữa cơm hằng ngày tăng, giá quần áo tăng, tiền sữa cho con… tất cả đều tăng. Hôm qua, tôi mua gói xôi ăn trưa với giá 20.000 đồng mới giật mình nhớ lại cách đây có mấy năm tôi mua gói xôi chỉ 7.000 đồng. Với đà này, tôi không biết phải xoay xở ra sao” - bạn đọc Hải Âu.
“Để ứng phó trước chuyện tăng giá xăng, người dân không còn con đường nào khác là thắt chặt chi tiêu và tìm cách hạn chế tối đa sử dụng xăng dầu. Sống thì vẫn sống được nhưng chất lượng cuộc sống chắc sẽ giảm đi” - bạn đọc Lê.
Giảm thuế để kìm giá xăng tăng
Bên cạnh các ý kiến chia sẻ những khốn khó mình đang gặp phải khi giá xăng tăng, nhiều bạn đọc còn góp ý thêm giải pháp cho việc bình ổn giá xăng dầu.
“Tôi mong các cơ quan chức năng tính đến chuyện giảm mức thuế, phí xăng dầu sao cho phù hợp. Có như vậy mới mong kìm được giá thị trường” - bạn đọc Nguyễn Kim.
“Xăng tăng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân bởi kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng. Chúng ta phải tính đến nguy cơ có thể khủng hoảng thiếu nguồn cung xăng dầu. Nếu thiếu nguồn cung thì sẽ rất nguy hiểm bởi nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước không đủ, hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu chủ yếu xăng dầu từ các nước. Do đó, tôi nghĩ một trong những giải pháp nhằm ổn định giá xăng dầu là Chính phủ cần có kế hoạch mua thêm, xây kho dự trữ để chuẩn bị dự trữ lượng xăng dầu lớn” - bạn đọc Minh Phúc.
“Nhà nước nên tính toán lại theo hướng tạm thời bỏ thuế bảo vệ môi trường để giá xăng dầu hạ nhiệt. Theo tôi thấy, giá xăng hiện nay ở nước ta đã cao so với thu nhập bình quân của người dân. Chúng ta không thể cứ so sánh giá xăng với thế giới mà tăng liên tục như vậy được bởi thu nhập của người dân nước họ cao” - bạn đọc Minh Phụng.
“Mong các cơ quan chức năng điều hành giá xăng dầu kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống chọi trước khó khăn. Cụ thể là cần xem xét giảm các loại thuế, phí và có các kịch bản cụ thể về giá xăng dầu để có biện pháp ứng phó phù hợp. Hy vọng cách điều hành thật sáng suốt của cả bộ máy Chính phủ lèo lái con tàu Việt Nam ta vượt qua giai đoạn khó khăn này” - bạn đọc Sơn Dương.
Nhờ được công ty hỗ trợ tiền xăng, bữa ăn tối của chị Sa Đây vẫn đảm bảo được các món như trước. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Công ty hỗ trợ thêm chi phí khi giá xăng tăng
Vợ chồng anh Mai Phương Thảo và chị Thạch Thị Sua Sa Đây cùng làm ở Công ty TNHH Tạ Minh Quang (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM). Anh Thảo chia sẻ dù gần đây giá xăng liên tục tăng, kéo theo nhiều thứ khác cũng tăng nhưng cuộc sống của vợ chồng anh không mấy bị ảnh hưởng.
“Xăng tăng thì chi tiêu tốn kém hơn, công ty tôi làm có hỗ trợ ít nhiều tiền xăng xe cho công nhân nên cũng đỡ” - anh Thảo tâm sự.
Chị Lê Thị Thủy, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May Thêu Hà Giang (quận Gò Vấp, TP.HCM), cho biết công ty từ khi thành lập có hỗ trợ tiền xăng cho công nhân hằng tháng với mức 150.000 đồng/người. Hiện tại, vì giá xăng tăng liên tục nên công đoàn đang tham mưu với ban giám đốc tăng tiền xăng cho công nhân theo giá xăng của thị trường. Cụ thể, công đoàn đề xuất tăng khoảng 20% so với mức hỗ trợ trước đây.
“Xăng đang tăng quá, kéo theo vật giá cũng tăng nên anh chị em công nhân gặp nhiều khó khăn. Công ty mong muốn hỗ trợ thêm phần nào cho công nhân lao động. Ban giám đốc hứa là sẽ giải quyết” - chị Thủy nói.