Công ty cổ phần Xây dựng 47 ghi nhận doanh thu quý II/2022 đạt 192,81 tỷ đồng, giảm 28,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 7,01 tỷ đồng, giảm 41,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 15,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 4,22 tỷ đồng lên 31 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 9,9%, tương ứng giảm 1,43 tỷ đồng về 13,06 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 9,2%, tương ứng giảm 0,8 tỷ đồng về 7,87 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 12,83 tỷ đồng về lỗ 1,4 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 11,43 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong kỳ mặc dù lợi nhuận gộp tăng, tiết giảm chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu do hụt lợi nhuận khác so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, Công ty không thuyết minh chi tiết nguyên nhân lợi nhuận khác giảm.
Công ty lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm do công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng tạm dừng thi công để gia cố vì lý do địa chất (có thể thi công lại quý III/2022). Thêm nữa, công trình sân bay Long Thành thi công không thuận lợi do thời tiết đang mùa mưa ở các tỉnh phía nam, việc dừng thi công dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của Công ty sụt giảm so với cùng kỳ.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Xây dựng 47 ghi nhận doanh thu đạt 281,81 tỷ đồng, giảm 50,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 11,86 tỷ đồng, giảm 30,1% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Xây dựng 47 đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành được 19,8% kế hoạch lợi nhuận năm và còn cách rất xa kế hoạch lãi 60 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, Xây dựng 47 ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 69,7 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 22,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 5,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 0,94 tỷ đồng. Trong kỳ, Công ty phải sử dụng tiền mặt tại quỹ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Được biết, từ năm 2014 tới nay, Công ty chỉ có hai năm dòng tiền kinh doanh chính âm. Trong đó, năm 2016 ghi nhận âm 4,78 tỷ đồng và năm 2020, Công ty tiếp tục ghi nhận âm 17,15 tỷ đồng. Như vậy, với việc ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm trong 6 tháng đầu năm 2022, đây là giá trị kỷ lục từ năm 2014 tới nay.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Xây dựng 47 tăng 6,6% so với đầu năm lên 1.676,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 752,7 tỷ đồng, chiếm 44,9% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 493,9 tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 346,9 tỷ đồng, chiếm 20,7% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 22,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 64,5 tỷ đồng lên 346,9 tỷ đồng; tồn kho tăng 14,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 93,4 tỷ đồng lên 752,7 tỷ đồng. Như vậy, nhiều khả năng dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục từ năm 2014 tới nay chủ yếu do công ty gia tăng các khoản phải thu ngắn hạn và tồn kho trong 6 tháng đầu năm 2022.
Trong tồn kho, Công ty thuyết minh chủ yếu 717,5 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Tuy nhiên, Công ty không thuyết minh chi tiết từng dự án đang triển khai.
Ngoài ra, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 2,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 15,8 tỷ đồng lên 682,9 tỷ đồng và chiếm 40,7% tổng nguồn vốn.
Ở một diễn biến khác, vào tháng 4/2022, Xây dựng 47 tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Trong đó, Công ty thông qua việc chào bán tối đa hơn 15 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động vốn, giá chào bán do HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Chào bán tối đa 25 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 25.000 đồng/cổ phiếu và ủy quyền cho HĐQT quyết định giá.
Được biết, từ 1/4 đến 26/7, cổ phiếu C47 đã giảm 44,1% từ 24.600 đồng về 13.750 đồng/cổ phiếu và thấp hơn 45% giá dự kiến phát hành riêng lẻ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu C47 tăng 600 đồng lên 13.750 đồng/cổ phiếu.