'Xẻ' rừng phòng hộ làm khu du lịch 'chui': Mở nhiều trò mạo hiểm, không có cứu hộ

Một doanh nghiệp đã âm thầm xẻ phát rừng phòng hộ, đưa máy móc mở đường, làm cầu để khai thác dòng suối làm du lịch mạo hiểm một thời gian dài để thu lợi. Điều đáng nói là chính quyền, ban quản lý rừng biết nhưng chưa xử lý.

Vừa qua, Báo VietNamNet nhận được phản ánh của nhiều người dân trên địa bàn xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) về việc một số điểm du lịch ở địa bàn xã này hoạt động không được cơ quan chức năng cấp phép.

Để tìm hiểu thông tin, phóng viên đã ngược lên xã biên giới Trường Sơn tìm hiểu. Từ đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây điểm cầu Khe Cạc rẽ theo hướng Tây chừng 5km, là điểm du lịch suối Chà Rào. Vào thêm 3km nữa du khách sẽ đến với điểm du lịch 'chui' suối Chà Cùng. Hai con suối này cùng đổ ra suối Khe Cạc, chảy về sông Long Đại.

Nếu như điểm vui chơi giải trí suối Chà Rào mới ngăn suối tích nước mở trong thời gian qua, thì điểm du lịch suối Chà Cùng đã hoạt động hơn 2 năm nay.

Đường đi vào Khu du lịch thác Chà Cùng mở dưới tán rừng phòng hộ. (ảnh: Thanh Hà)

Điểm vui chơi giải trí suối Chà Cùng là một thác nước đẹp có độ cao lớn, mặt nước rộng và có nhiều nghềnh đá cheo leo nằm dưới tán rừng nguyên sinh.

Để vào được khu vui chơi giải trí suối Chà Cùng, đơn vị khai thác du lịch đã mở một con đường rộng và dài hơn 1km rồi tới bãi đậu xe. Từ bãi đậu xe, du khách đi bộ luồn rừng, băng qua một cây cầu gỗ bắc qua suối, xong men đường mòn dưới tán rừng tầm 1km nữa đến điểm thác nước Chà Cùng.

Một cây cầu gỗ bắc qua thác Chà Cùng. (ảnh: Thanh Hà)

Tại đây, đơn vị du lịch đã dựng lán trại làm nhà bếp để nấu nướng và chứa thực phẩm. Bên suối, đơn vị du lịch mở hàng chục sạp gỗ đặt các vị trí khác nhau cho du khách thuê làm chỗ ăn nhậu. Các con đường bằng gỗ dẫn ra những vị trí view đẹp cho du khách chụp ảnh.

Ở khu vui chơi giải trí suối Chà Cùng, theo bảng giá dịch vụ được ghi trên tấm biển quảng cáo đặt ở đây thì: sạp thường có giá 200.000 đồng, mẹt ăn trưa VIP có giá 1.000.000 đồng cùng giá thành nhiều dịch vụ khác.

Ngoài hoạt động vui chơi tắm suối, ăn uống, du khách còn được chơi các trò chơi mạo hiểm như trượt máng trên suối, ngồi xích đu trên mặt nước hay đu dây thả từ trên cao rơi xuống suối.

Mặt bằng trong rừng phòng hộ được đơn vị này san ủi làm bãi đổ xe. (Ảnh: Thanh Hà)

Vị trí khu vui chơi giải trí mạo hiểm suối Chà Cùng, không có nhân viên cứu hộ trực các điểm vui chơi. Nếu du khách tham gia các hoạt động vui chơi mạo hiểm ở đây xảy ra tai nạn thì rất khó để cấp cứu kịp thời.

Không xử lý

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhì - Chủ tịch UBND xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) cho biết trên địa bàn xã có nhiều chỗ đẹp có thể khai thác du lịch. Địa phương đã kêu gọi nhưng chưa có đơn vị nào về đầu tư. 

Một du khách nữ chơi trò chơi mạo hiểm. (ảnh: Thanh Hà)

“Khu vui chơi giải trí trong suối Chà Cùng là của mấy thanh niên tiến bộ trong xã vào đó dựng lên rồi cho thuê cùng các dịch vụ đi kèm. Khu vui chơi giải trí này không được cấp phép hoạt động. Chúng tôi biết việc đó nhưng không xử lý được, khu vực đó thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý” - ông Nhì trả lời.

Một đứa trẻ ngồi vắt vẻo trên đu dây, phía dưới là thác dốc trơn trợt. (ảnh: Thanh Hà)

Tuy nhiên, thực tế tại khu vui chơi giải trí suối Chà Cùng không phải của "một số thanh niên tiến bộ" như ông Nhì nói. Ghi nhận của phóng viên, tại đây có gần chục nhân viên phục vụ mặc đồng phục màu xanh, phía sau có dòng chữ “Suối Chà Cùng”, phía trước bên ngực trái là dòng chữ “Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Tuấn”.

Sau khi du khách trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ tại khu vực suối Chà Cùng, sẽ có người mang hóa đơn của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Tuấn (địa chỉ ở thôn Long Sơn, xã Trường Sơn) ra tính tiền và du khách thanh toán theo hóa đơn đó. 

Đơn vị khai thác đã làm những con đường gỗ cho khách check-in. (ảnh: Thanh Hà)
Xe của đơn vị khai thác thác Chà Cùng chở gỗ vào để làm thêm những điểm mới. (Ảnh: Thanh Hà)

Trao đổi qua điện thoại, ông Đỗ Minh Cừ - Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, cho hay: "Chúng tôi đã nắm được tình hình và có kế hoạch vào kiểm tra. Đúng là Khu vui chơi giải trí Suối Chà Cùng đã làm thay đổi phần nào hiện trạng của suối Chà Cùng.

Chúng tôi là chủ rừng và sẽ liên lạc với trưởng trạm bảo vệ rừng trên địa bàn đó để chủ động vào kiểm tra, lập biên bản, xác nhận những vi phạm".